P/V nhà dân chủ Nguyễn Ngọc Quang vừa đến Mỹ tị nạn
P/V nhà dân chủ Nguyễn Ngọc Quang vừa đến Mỹ tị nạn
VOA :Tạp chí Thanh Niên
29.10.2012
Nguyễn Ngọc Quang cùng Con trai chụp hình lưu niệm cùngTrương Quốc Huy |
Đầu năm 2011, nhà dân chủ Nguyễn Ngọc Quang. Anh cùng gia đình đào tị sang Thái Lan, tìm tới Cao Ủy Tị nạn Liên hiệp quốc xin cấp quy chế tị nạn chính trị sang một nước thứ ba. Sau gần hai năm lánh tại Thái Lan, anh đã được chính phủ Hoa Kỳ chấp nhận cho tị nạn, và anh đặt chân tới bang Texas cuối tháng 9 vừa qua.
Trong cuộc trao đổi với Tạp chí Thanh Niên vài ngày sau khi đến Mỹ, anh Quang chia sẻ những chông gai, nghiệt ngã anh đã gặp phải vì khao khát những quyền tự do căn bản và những dự định sắp tới trên con đường anh kiên định theo đuổi vì một nền dân chủ thực thụ cho người dân Việt Nam.
nghe tại đây
Trà Mi: Anh bắt đầu rời khỏi Việt Nam khi nào?
Nguyễn Ngọc Quang: Từ tháng 1/2011.
Trà Mi: Anh đã ở Thái Lan bao lâu trước khi sang Mỹ này?
Nguyễn Ngọc Quang: Tôi ở Thái Lan được 1 năm 8 tháng. Thời gian tôi tị nạn bên Thái, tôi hay bị những cuộc gọi khủng bố, đe dọa từ an ninh ngoại tuyến của cộng sản Việt Nam và cũng có những cuộc gọi từ đại sứ quán Việt Nam. Họ gọi đe dọa tôi.
Trà Mi: Vì sao họ có được số liên lạc cá nhân của anh?
Nguyễn Ngọc Quang: Qua Thái, ít nhất tôi cũng phải gọi về báo cho gia đình, thì coi như họ nghe lén và biết được số điện thọai của tôi.
Trà Mi: Ứng viên được cấp quy chế tị nạn của Liên hiệp quốc có được chọn đất nước mình muốn sang tị nạn hay không, hay do họ quyết định, thưa anh?
Nguyễn Ngọc Quang: Khi mình được cấp quy chế tị nạn Liên hiệp quốc, hồ sơ của mình được Cao ủy tị nạn chuyển qua đại sứ quán Hoa Kỳ. Sau khi đại sứ quán Mỹ xét duyệt. Hồ sơ nào không đủ tiêu chuẩn để đi vào nước Mỹ, đại sứ quán sẽ giao trả lại. Lúc đó, Cao ủy sẽ đưa hồ sơ cho các đại sứ quán khác và ứng viên có quyền lựa chọn cho mình một quốc gia để đi đến.
Trà Mi: Vì sao anh quyết định bỏ lại mẹ già nơi quê nhà, rời khỏi đất nước Việt Nam?
Nguyễn Ngọc Quang: Tôi bỏ chạy vì cảm thấy an toàn tính mạng, an ninh cá nhân của mình trên đất nước Việt Nam không còn nữa. Nó xâu chuỗi nhiều sự kiện. Khi ra tù, tôi trả lời phỏng vấn chị, tức khắc tôi bị cơ quan cảnh sát điều tra đe dọa.
Trà Mi: Anh nhắc tới cuộc phỏng vấn ngay khi anh ra tù vào tháng 9 năm 2009.
Nguyễn Ngọc Quang: Vâng, tôi trả lời chị ngay trước nhà tù đấy. Tôi nhìn ra được là con đường mình đi không sai gì cả. Tất cả những oan khuất tôi bị trong thời gian qua chẳng qua là do chế độ mang lại cho tôi thôi. Vì vậy, tôi tiếp tục thì tôi không tránh khỏi những sự đe dọa kế tiếp. Họ đến nhà đe dọa, rồi sau đó họ cho côn đồ đụng xe vì họ biết có bỏ tù tôi cũng chẳng cải tạo gì được cả. Cho nên, chỉ còn một cách duy nhất là họ muốn loại trừ tôi ra khỏi cuộc đời này. Mùng 6 Tết năm 2010, trong dịp lên Đà Lạt, tôi ghé thăm bác Hà Sĩ Phu. Khi trở về ngang qua đèo Prenn, tôi bị họ đụng xe rớt đèo Prenn, nguy hiểm lắm, nhưng tôi thoát chết. Ngày 18/9/2010 xảy ra một sự ‘truy sát’. Tôi chở con tôi đi vậy mà họ sẵn sàng ép xe. Họ làm tôi té xe rồi họ còn quay lại cán ngược lên đầu tôi. May lúc đó có nón bảo hiểm nên tôi mới thoát chết. Cái bánh sau của xe đập vào mặt tôi làm khuôn mặt tôi biến dạng. Những hình ảnh đó tôi đã đưa lên công luận để tố cáo. Từ vụ đụng xe đó, tôi hiểu rằng thật sự họ muốn loại trừ tôi rồi. Gia đình tôi luôn luôn bị công an quấy rầy, đe dọa, làm hai đứa con nhỏ của tôi đến cuối cùng phải nói là nó chai lì trước sự đe dọa đó. Một đứa trẻ mà họ làm tâm hồn của nó chai lì trước sự sợ hãi thì chị tưởng tượng được sự đe dọa đó như thế nào. Họ khủng bố..không còn ngôn từ gì để nói về cộng sản Việt Nam nữa cả.
Trà Mi: Lúc này đây khi đang ở Mỹ, có thể nói ước mơ tự do của anh đã thành tựu hay chưa?
Nguyễn Ngọc Quang: Không, ước mơ tự do của tôi chưa thành tựu vì tôi không ước mơ tự do cho riêng bản thân tôi. Nếu ước mơ tự do cho riêng bản thân tôi thì chắc có lẽ tôi tìm hết đường này tới đường kia để trốn rồi. Ước mơ tự do của tôi chỉ mới đạt được một phần rất nhỏ. Tôi mong muốn góp tiếng nói của mình làm sao thực hiện được tự do thực cho toàn dân Việt Nam. Tôi mong muốn tất cả mọi người chung sức vào, đứng lên để đấu tranh, đòi lại tất cả những cái quyền căn bản, sự tự do thực đã bị tước đoạt bởi chính quyền cộng sản Việt Nam bằng bạo lực.
Trà Mi: Anh có kế hoạch thế nào hoặc nghĩ mình sẽ làm gì để góp phần biến mong muốn rằng nhiều người dân Việt Nam cũng được hưởng sự tự do như mình mau trở thành hiện thực? Ở Việt Nam, đòi hỏi dân chủ là một sự đấu tranh khắc nghiệt, nhưng giờ đây anh đã ra bên ngoài, điều kiện đấu tranh dễ dàng hơn, nhưng liệu chăng có hiệu quả hơn?
Nguyễn Ngọc Quang: Hiệu quả hơn hay không, tôi không nói trước được. Nhưng tôi mong muốn được gặp các chính khách Hoa Kỳ vì tôi là một nạn nhân trực tiếp của cộng sản Việt Nam. Tôi muốn nói lên bức tranh thực về sự vi phạm nhân quyền của cộng sản Việt Nam. Tôi muốn kêu gọi tất cả quốc gia thành viên Liên hiệp quốc phải có trách nhiệm hơn nữa trong việc thực thi Hiến chương Liên hiệp quốc. Quan hệ với các quốc gia độc tài thì phải đưa vấn đề nhân quyền lên hàng đầu. Sự ngoại vận đòi hỏi Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền là một động lực rất lớn cho những cuộc đấu tranh mãnh liệt trong quốc nội. Tôi muốn kêu gọi người Việt hải ngoại đoàn kết, phải thật sự đoàn kết chặt chẽ mới có thể hoạt động hữu hiệu cho phong trào dân chủ quốc nội.
Trà Mi: Lúc nãy anh nói giấc mơ của anh chưa thật sự thành tựu và anh vẫn bất khuất với lý tưởng dân chủ của mình, nhưng nhà dân chủ Nguyễn Ngọc Quang nhìn thấy con đường trước mắt thế nào?
Nguyễn Ngọc Quang: Con đường trước mắt cực kỳ khó khăn.
Trà Mi: Và anh sẽ tiếp tục như thế nào, thưa anh?
Nguyễn Ngọc Quang: Vừa đặt chân tới Hoa Kỳ, tôi cần thiết phải có một thời gian để quan sát.
Trà Mi: Có nhiều người cảm thấy ở Việt Nam bây giờ đã có được cuộc sống tự do, hạnh phúc, được tự do mưu cầu cuộc sống, tự do phát triển đời sống về mọi mặt. Phải chăng những người cảm thấy không được tự do là những người có thái độ chống đối nhà nước hay vì mục đích chính trị nào đó, nên họ mới bị những sự chế tài hay mất tự do?
Nguyễn Ngọc Quang: Một câu hỏi tuyệt vời. Cộng sản Việt Nam gieo vào đầu nhân dân Việt Nam nỗi sợ hãi, sự ảo tưởng về một thiên đường. Họ đã bằng bạo lực, bằng nhà tù đè bẹp ý người dân. Từ đó, khi họ ban phát một cái tự do hiếm hoi nào đó, người ta cứ ảo tưởng rằng ‘Ồ tự do thật rồi, đổi mới rồi, không còn như ngày xưa nữa’. Phải nhìn ra được đó là sự tự do ảo và phải chỉ cho mọi người biết những quyền tự do thực đã, đang, và chắc chắn sẽ bị tước đoạt nữa nếu còn cộng sản Việt Nam. Đó là những quyền căn bản của con người như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo. Ở Việt Nam hơn 600 tờ báo nhưng không có một tờ báo tư nhân. Đó không thể gọi là tự do báo chí được. Ở Việt Nam, anh không có quyền tự do mưu cầu hạnh phúc vì tất cả việc làm của anh đều bị giám sát chặt chẽ của chế độ. Họ gieo vào đầu người Việt Nam nỗi lo sợ nên dân Việt Nam quen cảm giác xin-cho. Dân coi nhà nước và chính quyền như cha mẹ, khi được ban phát chút gì đó thì coi như là ân huệ tuyệt vời lắm rồi, mà quên đi rằng chính họ mới có quyền đề nghị người thay mặt họ lên điều hành xã hội. Từ lập quốc của cộng sản Việt Nam năm 1945 cho tới tận bây giờ, chưa lần nào dân bỏ phiếu tự do cả, tất cả đều là sự dàn xếp.
Trà Mi: Anh nhắc tới những điều này như những ví dụ về sự thiếu tự do của người dân Việt Nam bao gồm thiếu tự do trong quyền chính trị, trong phát ngôn, ngôn luận, báo chí…Nhưng nước nào cũng có luật lệ riêng, nghĩa là tự do nhưng nếu không theo pháp luật thì liệu chăng sẽ có những sự quá trớn. Thế nên Việt Nam nói là ‘tự do nhưng trong khuôn khổ pháp luật’. Việc này vì sao anh cho là không thể chấp nhận được?
Nguyễn Ngọc Quang: Đúng, tự do phải trong khuôn khổ pháp luật, nhưng pháp luật đó phải được biểu quyết bởi nhân dân Việt Nam, chứ không phải được soạn thảo ra bởi giới chức cầm quyền. Chính quyền lúc đó mới là chính danh, của dân. Chứ còn tới hôm nay, chính quyền cộng sản Việt Nam chưa một lần trưng cầu dân ý và luật pháp họ đưa ra đó chưa một lần được nhân dân phủ quyết. Những quyền căn bản của người dân bị họ tước bằng cách hợp pháp hóa bằng luật.
Trà Mi: Sau bản án 3 năm tù về tội chống nhà nước, anh có nói anh hoàn toàn hài lòng và tự hào về hành vi của mình, những hành vi bị nhà nước Việt Nam cho là tội phạm. Những cái giá anh đã trải qua như tù tội hay những sự nguy hiểm đe dọa tính mạng như anh vừa kể là vì những hoạt động bị cho là ‘chống phá nhà nước’. Nếu anh không chống nhà nước, có lẽ cuộc sống của anh đã khác đi rất nhiều rồi, anh có nghĩ vậy không?
Nguyễn Ngọc Quang: Không chị ạ. Nếu không ‘chống nhà nước’ thì cuộc sống của tôi càng tồi tệ hơn. Vì khi mình thao thức về những quyền căn bản của chính bản thân, gia đình, và dân tộc mình, mình biết mà mình không làm thì mình luôn luôn bị ray rứt. Con người sống phải dựa trên nền tảng đạo đức. Không phải chỉ có được ăn ngon, mặc đẹp mới gọi là sống. Ở Việt Nam năm 2006 sau khi khối 8406 ra đời, tôi thấy nhiều người ý thức ra hơn, sẵn sàng dấn thân hơn, nhìn nhận trách nhiệm của mình với dân tộc. Qua những việc làm đó, của tôi là một phần rất nhỏ, nhưng qua việc làm của rất nhiều người, một phần nào đó đã giảm bớt nỗi sợ hãi của người dân để đòi lại cái quyền của chính họ bị tước đoạt.
Trà Mi: Anh cảm nhận có sự thay đổi về ý thức và hành động vì dân chủ trong người dân Việt Nam.
Nhưng thực tế cho thấy hình như chính quyền cũng có cách đối phó mạnh tay hơn. Những bản án của các nhà dân chủ 8406 lúc đó từ 3-5 năm tù, nhưng các bản án bây giờ, mà bằng chứng mới nhất là án tù của 3 blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần, và AnhbaSG, lên tới 10-12 năm tù. Vậy liệu bức tranh dân chủ Việt Nam ngày nay có sáng hơn trong ánh mắt anh, một nhà dân chủ đã dấn thân trải nghiệm những thử thách vì dân chủ tại Việt Nam?
Nguyễn Ngọc Quang: Nói thật lòng, tôi ngầm cảm ơn cộng sản Việt Nam đã tuyên án Điếu Cày 12 năm vì quan trọng không phải là anh bị tuyên án bao nhiêu năm, nhưng quan trọng là sau khi anh bị tuyên án người khác còn dấn thân vào nữa hay không. Bản án đó tác dụng ngược. Họ mà tuyên Điếu Cày trắng án thì ít người chống lại chính quyền lắm. Nhưng sau bản án đó, càng nhiều người dấn thân vào hơn. Hôm nay thế giới đã trải phẳng trên màn hình rồi. Họ không thể giấu diếm như ngày xưa được nữa. Sự thật về sự sụp đổ hệ thống xã hội chủ nghĩa và hệ thống cộng sản trên thế giới như thế nào, người bây giờ đã dân dần biết được. Một bản án tuyên ra mà làm mọi người hài lòng và cảm thấy chế độ đó hợp lý thì đó mới là bản án khôn ngoan. Còn bản án tuyên ra để rồi mọi người gắn kết lại với nhau hơn để đấu tranh thì chế độ đó đang làm điều sai lầm. Bản án đó không có tác dụng răn đe. Bản án đó giúp cho phong trào đấu tranh dân chủ tại Việt Nam được lớn mạnh hơn.
Trà Mi: Những nhà hoạt động đòi dân chủ cho Việt Nam có hai kết cục chính một là đi tù, hai là phải bỏ xứ ra đi. Là một người trong cuộc đã trải qua cả hai kinh nghiệm này, anh sẽ nói gì về tương lai dân chủ Việt Nam?
Nguyễn Ngọc Quang: Tương lai dân chủ Việt Nam phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Quyết định là sự đấu tranh dân chủ trong nước. Những người khi ở Việt Nam không còn khả năng hoạt động thêm được nữa, buộc phải chọn cho mình phương thức khác để hoạt động hiệu quả hơn. Đó là phần nổi của tảng băng. Còn phần chìm của tảng băng càng ngày càng lớn ra cộng thêm yếu tố không thể thiếu là sự ngoại vận. Những chế tài của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam có tác dụng chứ không phải không.
Trà Mi: Anh nhắc đi nhắc lại rằng tương lai dân chủ Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào những người trong nước. Nhưng những ai trong nước dám cất lên tiếng nói bất đồng với nhà nước thì phải ngồi tù. Còn những người chạy thoát được ra thế giới bên ngoài thì dường như mờ nhạt hơn so với thời gian còn trong nước. Trong nước dưới điều kiện khắc nghiệt thì tiếng nói của họ bất khuất, mãnh liệt hơn, nhưng khi ra ngoài, họ lại mờ nhạt, không làm được gì nhiều so với những gì người ta mong muốn. Cho nên, có nhiều người không mấy lạc quan, không thấy bức tranh dân chủ Việt Nam sẽ có được điểm sáng trong như Miến Điện chẳng hạn. Anh có đồng ý với quan điểm đó không?
Nguyễn Ngọc Quang: Tôi thấy một điều những nhà đấu tranh dân chủ tại Việt Nam hễ cứ đi vào con đường đó là phải chấp nhận tù đày. Nhưng điều này không cản được những lớp người mới tham gia. Cho nên tôi rất lạc quan về bức tranh dân chủ Việt Nam. Sự tù đày không cản được bước đi của những lớp trẻ thì đó là một dấu hiệu tốt cho phong trào dân chủ Việt Nam. Thế giới hôm nay đã trải phẳng trên màn hình máy tính. Vì vậy, các bạn hãy nhìn nhận thực về các quyền căn bản của mình đã bị tước đoạt và hãy cố gắng chung sức đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi ách độc tài.
Tạp chí Thanh Niên vừa gửi đến quý vị cuộc trao đổi với nhà dân chủ Nguyễn Ngọc Quang, một trong những tên tuổi gắn liền với khối 8406, người từng được biết đến qua các đoạn băng ghi âm các buổi thẩm vấn giữa anh với công an trước khi anh chính thức bị tuyên án 3 năm tù tội ‘tuyên truyền chống nhà nước’.
www.voatiengviet.com.