Điểm Tin Cập Nhật

Những điều còn chưa biết về tự do Internet




Những điều còn chưa biết về tự do Internet

Tạp chí Điện tử của Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tháng 6/2010
ảnh sưu tầm internet

Derek Bambauer

Các quốc gia và xã hội định nghĩa về “tự do Internet” theo những cách khác nhau. Trong khi một số chính phủ hà khắc định nghĩa thuật ngữ này lái theo mục đích riêng của mình, thì nhiều định nghĩa khác lại là hợp lý và dựa trên các nền tảng giá trị. Tác giả muốn truyền tải rằng chúng ta nên tôn trọng những giá trị cơ bản dẫn đến những quyết định này. 


Derek Bambauer giảng dạy về luật Internet và sở hữu trí tuệ tại Trường luật Brooklyn ở New York. Ông cũng là tác giả của blog Thông tin/Luật chuyên giải quyết các vấn đề pháp lý trực tuyến. 

Theo lẽ thông thường, mọi người đều ủng hộ tự do Internet. Tuy nhiên ở các quốc gia và nền văn hóa khác nhau thì khái niệm “tự do” lại mang ý nghĩa khác nhau và có trọng lượng khác nhau khi đem so sánh với các lợi ích khác. Sự đa dạng về quy phạm này đã gây ra nhiều tranh cãi về quyền truy cập, những đe dọa đối với tự do Internet, việc quản lý nội dung trực tuyến và quản trị Internet. Tóm lại, khái niệm “tự do Internet” hàm chứa một loạt những mâu thuẫn xoay quanh chuyện Internet nên hoạt động như thế nào. Sẽ tốt hơn nếu cởi mở thừa nhận những thách thức này, thay vì xoáy vào việc diễn đạt từ ngữ mà che giấu những lựa chọn khó khăn nhưng không thể tránh khỏi.

Đầu tiên, tiếp cận với mạng là yếu tố tiên quyết để có thể có được tự do Internet và đã được xác định theo một cách thức nào đó. Các nước cũng có các quy định khác nhau về quyền tiếp cận Internet của các cá nhân. Trong khi một số nước coi việc truy cập Internet, cụ thể là sử dụng băng thông rộng với tốc độ cao là một quyền cơ bản, thì một số nước khác lại coi đó là một đặc ân. Phần Lan quy định rằng có kết nối 1M là một quyền cơ bản của công dân Phần Lan. Tương tự, Hội đồng Hiến pháp của Pháp cũng quy định rằng truy cập Internet là một quyền pháp lý. Hoa Kỳ thì ngược lại khi xem khả năng trực tuyến cũng là một hàng hóa như các hàng hóa khác chứ không coi đây là một quyền. Nếu không có khả năng thanh toán chi phí để kết nối với Internet thì bạn vẫn sẽ ngoại tuyến, hay có thể sử dụng tại các điểm truy cập công cộng sẵn có tại thư viện hay trường học.

Nhưng cho dù truy cập Internet được coi là quyền hay đặc ân cũng đều có quan hệ mật thiết với việc không được truy cập. Đạo luật Kinh tế Số mới đây của Vương quốc Anh đã thiết lập một hệ thống “phản hồi theo cấp độ”. Hệ thống này sẽ đình chỉ tài khoản của người sử dụng nếu họ liên tiếp có các hành vi vi phạm bản quyền trực tuyến. Tương tự, bộ luật HADOPI (tên viết tắt của một đạo luật quốc gia khuyến khích việc truyền bá và bảo vệ các tác phẩm sáng tạo trên mạng Internet) của Pháp cũng ngắt kết nối của người sử dụng sau ba lần bị báo cáo vi phạm. Do vậy mà ngay cả những nước quy định truy cập là một quyền thì cũng vẫn phải cân bằng quyền này với các yếu tố khác, chẳng hạn như việc bảo vệ chủ sở hữu của các tài sản trí tuệ. Sự cân bằng này là mấu chốt dẫn đến các khái niệm khác nhau về tự do Internet.

Thứ hai, các xã hội cũng có những quan điểm khác nhau về định hướng của tự do Internet – hay là tự do khỏi ai, hay khỏi cái gì? Chính phủ chính là mối đe dọa chủ yếu đối với tự do Internet. Nhà nước có thể tác động đến tự do trực tuyến theo nhiều cách thức khác nhau, chẳng hạn như hình sự hóa phát ngôn hay hành vi, giám sát truyền thông hay phong tỏa nội dung. Quan điểm về tự do của Hoa Kỳ trước hết là về việc ngăn chặn quyền lực không bị cản trở của chính phủ. Nhưng vẫn còn những mối đe dọa khác nữa. Chẳng hạn như các quốc gia châu Âu luôn cảnh giác với khả năng của các tập đoàn trong việc thu thập những thông tin riêng tư và thông tin nhận dạng cá nhân của người sử dụng. Những cuộc tranh cãi gần đây xoay quanh việc cài đặt tính riêng tư của người sử dụng Facebook, dịch vụ video của Google ở Italia và dự án ghi lại hình ảnh trên mặt đất của Google Street View đã cho thấy những quan ngại về việc các công ty tư nhân tự do thu thập dữ liệu và cả sự giám sát từ phía Chính phủ.

Ngoài ra, các quốc gia có thể tìm cách ngăn chặn những vi phạm ảnh hưởng đến sự tự do của một cá nhân do một người sử dụng khác gây ra – chẳng hạn như những nội dung sai lệch hoặc phỉ báng gây tổn hại đến uy tín của một cá nhân. Một số nước yêu cầu các bên trung gian như các nhà cung cấp dịch vụ Internet và các trang mạng xã hội phải kiểm soát những nội dung loại này thông qua các quy định về trách nhiệm ràng buộc, trong khi một số chính phủ khác miễn trách nhiệm cho tất cả các bên ngoại trừ tác giả của những nội dung đó. Do vậy, các quốc gia đều có những quan ngại ở mức độ khác nhau trước mối đe dọa đối với tự do Internet.

Thứ ba, các quốc gia có cách thức cân bằng khác nhau giữa tự do biểu đạt và tiếp cận thông tin với những quan ngại về tác hại mà các nội dung trực tuyến có thể gây ra. Những tác hại này có thể gây ảnh hưởng đến các cá nhân (như trong trường hợp nội dung có tính chất phỉ báng), đến những nhóm dân tộc hay tôn giáo thiểu số, hay thậm chí tác động đến cả những giá trị chung của toàn xã hội. Hoa Kỳ coi việc tự do trao đổi thông tin có vai trò quan trọng hơn nhiều yếu tố đối lập khác nên những nội dung như phát ngôn có tính chất thù ghét và nội dung khiêu dâm vẫn được hiến pháp bảo vệ. Tuy nhiên, luật pháp Hoa Kỳ lại cấm một số loại thông tin cụ thể, chẳng hạn như những mối đe dọa thực sự, những tài liệu tục tĩu và nội dung khiêu dâm trẻ em. Pháp và Đức cũng bảo vệ mạnh mẽ quyền biểu đạt cởi mở, nhưng cấm đưa các phát ngôn có tính chất thù ghét lên mạng. Các quốc gia này đã yêu cầu Google phải lọc bỏ những trang có phát ngôn thù ghét khỏi kết quả tìm kiếm trên những trang được viết bằng tiếng Pháp và Đức. Singapore chính thức cấm các nội dung khiêu dâm trực tuyến và chặn người sử dụng truy cập vào một số các trang có nội dung khiêu dâm như một biện pháp tượng trưng. Ả-rập Xê-út, một quốc gia nơi phần lớn dân số là tín đồ Hồi giáo dòng Sunni cũng ngăn chặn việc truy cập những nội dung trái với niềm tin của Hồi giáo dòng Sunni, chẳng hạn như những trang về đạo Baha’i hay về Hồi giáo dòng Shia. Tóm lại, nếu chúng ta coi tự do Internet là việc bảo vệ quyền biểu đạt một cách không giới hạn thì sự tự do này đang bị đối trọng với những mối quan ngại xung đột lợi ích ở nhiều cấp độ, kể cả ở những quốc gia có truyền thống bảo vệ tự do ngôn luận mạnh mẽ.

Cuối cùng, các quốc gia cũng có quan điểm khác nhau về đối tượng cần phải chịu sự quản lý tự do Internet và nên được thực hiện như thế nào. Những cuộc tranh cãi về việc quản lý Internet cũng diễn ra trong một khoảng thời gian gần bằng với lịch sử của chính mạng Internet thương mại. Là quốc gia sáng tạo nên cấu trúc cơ bản của Internet, song Hoa Kỳ hiện tại vẫn giữ một mức độ kiểm soát nhất định đối với hoạt động của mạng lưới này thông qua Bộ Thương mại và ICANN (Tổ chức Cấp phát Tên miền và Số hiệu Internet) trong việc tổ chức quản lý Hệ thống Tên miền và các cơ quan chuyên trách khác. Hoa Kỳ đã phản đối chuyển giao chức năng của ICANN cho các cơ quan khác, một phần là do quan ngại rằng đặt Internet dưới sự kiểm soát quốc tế sẽ làm suy yếu sự tự do, cụ thể là sự tự do biểu đạt. Mặc dù vậy, các nước khác vẫn tìm kiếm một tiếng nói có trọng lượng lớn hơn trong việc ra quyết định về tiêu chuẩn và giao thức cơ bản của mạng Internet và không muốn bị ràng buộc bởi quan điểm của Mỹ về sự cân bằng hoàn hảo với các nhu cầu khác như an ninh, tính riêng tư và khả năng biểu đạt công khai. Việc này đã dẫn đến các cuộc tranh cãi nóng bỏng trên những diễn đàn như Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Xã hội Thông tin (WSIS) và sự ra đời của các tổ chức tư vấn như Diễn đàn Quản lý Internet (IGF). Như vậy, các nước không chỉ khác nhau về những yếu tố cấu thành nên tự do Internet mà còn khác biệt về cách thức để đạt được tự do Internet trên thực tế.

Tự do là một khái niệm mang nhiều sắc thái. Nó mang ý nghĩa tu từ -- việc mô tả sự phản đối của ai đó khi không thích tự do Internet là một chiến thuật hiệu nghiệm. Khó thực hiện được tự do Internet là do việc sử dụng một thuật ngữ chung cho một loạt các ý nghĩa khác nhau. Tự do có thể được hiểu là chủ nghĩa cá nhân mạnh mẽ, theo đó người sử dụng tùy ý làm những việc mình muốn, miễn là không trực tiếp gây hại đến người khác. Hay nó cũng có thể được xem xét dưới góc độ cộng đồng mà theo đó những đặc ân phụ thuộc vào việc tuân thủ theo các khuôn khổ luật lệ và quy tắc của xã hội. Tự do có thể bảo vệ chúng ta khỏi sự can thiệp của nhà nước, của công ty và của mỗi cá nhân. Tự do có thể chỉ ra rằng chúng ta có quyền lên mạng trực tuyến, hay chúng ta có cơ hội để làm vậy. Do vậy, tự do Internet là một khái niệm phụ thuộc: Ý nghĩa của thuật ngữ này có thể rất khác nhau tùy theo hoàn cảnh sử dụng.

Tuy nhiên, chính tính biến đổi này cũng có những nguy cơ tiềm ẩn của nó. Các chính phủ có thể biện minh rằng đất nước họ có quan niệm riêng về tự do Internet, quan niệm này giải thích cho một số hành động nhất định, nhưng trên thực tế những động thái này là vì lợi ích của chính phủ chứ không phải của người dân. Chẳng hạn như việc Việt Nam chặn truy cập vào một số tư liệu trực tuyến với lí do lo ngại trẻ em có thể tiếp xúc với những tài liệu không lành mạnh như sách báo khiêu dâm. Thực tế, bộ máy chính quyền đang ngăn chặn người sử dụng tiếp cận với những trang về nhân quyền và bất đồng chính trị, chứ không hề chặn được một trang khiêu dâm nào. Nói một cách thẳng thắn thì Chính phủ Việt Nam đang viện cớ để kiểm soát. Chúng ta cần cảnh giác với nguy cơ các chính phủ sẽ lợi dụng sự khác biệt hợp pháp về ý nghĩa cơ bản của thuật ngữ “tự do” trực tuyến để che đậy những hoạt động làm suy yếu sự tự do.

Rốt cuộc, có lẽ thuật ngữ tự do Internet nên được loại bỏ do nó quá rộng để có thể sử dụng một cách hiệu quả. Thay vào đó, các quốc gia, nền văn hóa và người sử dụng cần cố gắng tìm ra giải pháp cho những đánh đổi khó khăn mà giao tiếp Internet đưa ra. Mạng trực tuyến tạo điều kiện cho việc viết sách mỏng và cả các tài liệu khiêu dâm. Truyền thông nặc danh có thể được sử dụng để thông tin về các vụ tham nhũng chính trị, hay cũng có thể được sử dụng để thực hiện các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ mà không bị phát giác. Việc tổng hợp dữ liệu có thể giúp cá nhân hóa các hoạt động trực tuyến của người dùng, hay cũng có thể tóm luợc lại những hoạt động hay giao tiếp của người đó. Việc thẳng thắn thừa nhận những nhượng bộ của chúng ta và tôn trọng những giá trị tiềm ẩn dẫn đến những quyết định này sẽ tốt hơn việc sử dụng thuật ngữ “tự do Internet” để xây dựng nên một sự đồng thuận sai lầm.

Quan điểm thể hiện trong bài báo này không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chính sách của Chính phủ Hoa Kỳ.

0 comments cho " Những điều còn chưa biết về tự do Internet "

Cho Ý Kiến Của Bạn

Newer Post Older Post
^Xem Lại Trên