Vì sao Nhật nhờ Việt Nam giúp đàm phán với Bắc Hàn?
Ông Shigeo Iizuka, 72 tuổi, người anh em của một công dân Nhật Bản được cho là bị Bắc Triều Tiên bắt cóc, buộc dải ruy băng lên hàng rào thép gai ở khu phi quân sự phân chia hai miền Triều Tiên.
Nguyễn Trung-VOA
Mới đây, Tokyo đề nghị Hà Nội giúp giải quyết vụ Bình Nhưỡng bắt cóc công dân Nhật trong lúc Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố muốn giải quyết rốt ráo vấn đề tồn tại hàng chục năm qua này trong nhiệm kỳ của mình.
Đáp lại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cam kết sẽ hỗ trợ xứ sở mặt trời mọc khi gặp Bộ trưởng phụ trách vấn đề bắt cóc của Nhật Bản, ông Keiji Furuya, hồi cuối tháng Bảy.
Trả lời VOA Việt Ngữ qua email, ông Ono Masuo, Tham tán chính trị của Đại sứ quán Nhật tại Hà Nội, nói rằng vụ việc với Bắc Hàn là một vấn đề quan trọng vì nó liên quan tới chủ quyền cũng như mạng sống và sự an toàn của các công dân nước ông.
Nhà ngoại giao này còn cho rằng Việt Nam có thể đóng một vai trò trong việc tìm lời giải cho số phận của các công dân Nhật.
Ông Masuo nói: “Xét thấy Việt Nam có mối quan hệ ngoại giao với Bắc Triều Tiên, điều hết sức quan trọng là cho Việt Nam hiểu quan điểm của chúng tôi cũng như mưu tìm sự hợp tác của nước này nhằm giải quyết hoàn toàn vấn đề bắt cóc”.
Vụ bắt cóc là một trong những ưu tiên hàng đầu của Thủ tướng Nhật Bản đương quyền.
“Chính phủ Nhật Bản yêu cầu Bắc Triều Tiên ngay lập tức trả các nạn nhân và cung cấp thông tin đầy đủ về những người mà hiện không rõ đang ở đâu”, ông Masuo nói.
Nhật hiện không có quan hệ ngoại giao với Bình Nhưỡng nên Tokyo thời gian qua đã kêu gọi sự trợ giúp của các nước có bang giao với Bắc Hàn, như Mông Cổ.
Trong chuyến công du tới Hà Nội vừa qua của Bộ trưởng còn kiêm nhiệm chức Chủ tịch Ủy ban An toàn Công an quốc gia Nhật Bản, hai bên cũng đồng ý sẽ sớm tiến hành các cuộc gặp cấp thứ trưởng thuộc ngành cảnh sát để trao đổi các thông tin về vụ bắt cóc.
Theo bản tin trên trang Japan Daily Press, trong khoảng thời gian từ năm 1965 tới năm 1985, Bắc Triều Tiên nhiều lần bắt cóc các ngư dân Nhật Bản và Hàn Quốc để buộc những người này huấn luyện cho nhân viên tình báo của họ. Năm 2002, chính phủ Bắc Hàn thừa nhận đã bắt cóc khoảng 13 cá nhân.
Giáo sư Carl Thayer từng viết trong một bài phân tích rằng Việt Nam dường như có thể đóng vai trò trung gian với Bình Nhưỡng, và đã tranh thủ vị trí này để nâng cao uy tín trên trường quốc tế trong bối cảnh các quốc gia lớn trên thế giới đều chật vật trong việc gây ảnh hưởng với Bắc Hàn.
Trong khi đó, bà Phạm Thị Thu Thủy, một nhà quan sát theo dõi mối quan hệ Việt – Triều từng có thời gian học tập tại Đại học Yonsei của Hàn Quốc, nhận định với VOA Việt Ngữ rằng việc Hà Nội có thể thuyết phục thành công Bắc Hàn hay không ‘tùy thuộc nhiều vào Bình Nhưỡng’.
Bà nói: “Dù Việt Nam và Bắc Triều Tiên có vẻ như có một mối giao tình sâu sắc, thực chất Việt Nam không có tầm ảnh hưởng quá quan trọng với kinh tế, quân đội, hay uy quyền của Bình Nhưỡng. Vì vậy tiếng nói của Hà Nội không có quá nhiều sức nặng và sự đe dọa đối với Bắc Triều Tiên”.
Bà Thủy cho rằng ‘Hà Nội nhận lời Nhật nhưng sẽ không đi xa hơn là đưa ra những phát ngôn ngoại giao’ vì chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ nước khác của Việt Nam.
Theo giới quan sát, Tokyo muốn lôi kéo các nước có quan hệ ngoại giao với Bình Nhưỡng với hy vọng gây thêm áp lực đối với chính quyền đất nước cô lập này.
Bắc Triều Tiên từng hỗ trợ vật chất cho ‘quốc gia anh em cộng sản’ trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam.
Tuy nhiên, quan hệ giữa hai nước cùng theo chế độ xã hội chủ nghĩa không phải luôn luôn nồng ấm, nhất là sau khi Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Seoul hồi đầu những năm 90.
Hơn một thập kỷ sau, năm 2004, Bình Nhưỡng cũng tỏ ý không hài lòng sau khi Hà Nội cho phép hàng trăm người Bắc Hàn sang Nam Triều Tiên tỵ nạn sau khi họ đào tẩu qua ngả Việt Nam.
Bà Thủy cho rằng ‘hầu như không thấy có mấy lý do để 2 nước lại gần nhau hơn’. Nhà quan sát này còn nhận định rằng Việt Nam ‘cố gắng tránh bị buộc phải lựa chọn công khai giữa Bắc hay Nam Triều Tiên’.
“Trong quan hệ ngoại giao quốc tế tôi nghĩ Việt Nam không muốn bị kẹt trong mối quan hệ hết sức nhạy cảm giữa hai miền Nam - Bắc Triều Tiên. Điều này không những không mang lại lợi ích gì cho VN mà còn có nguy cơ ảnh hưởng tới hợp tác Hàn - Việt, khi mà chính quyền Seoul là một đối tác kinh tế vô cùng quan trọng với Việt Nam," bà Thủy nói.
"Việc Hà Nội vẫn duy trì viện trợ gạo và hợp tác với Bắc Hàn trên một vài phương diện lẻ tẻ như văn hóa, văn nghệ, thể thao cho thấy Việt Nam xác định duy trì quan hệ song phương với Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, tôi không nghĩ Việt Nam tại thời điểm hiện tại có hứng thú liên kết sâu rộng hơn với Bình Nhưỡng”.
Người từng có thời gian nghiên cứu về quan hệ đối ngoại tại Hàn Quốc nói thêm rằng người dân Việt hiện ‘rất xa lạ với cuộc sống của người Bắc Triều Tiên’.
“Người Việt Nam bị ảnh hưởng rất lớn từ các phương tiện truyền thông phương Tây, nên hầu hết người dân nay không có thiện cảm với chính phủ và đất nước Bắc Hàn”, bà Thủy nói.
Việt Nam là một trong số ít các quốc gia hiện vẫn viện trợ lương thực cho quốc gia nghèo khó nằm trên bán đảo Triều Triên.
Trong chuyến thăm của một giới chức cấp cao Bắc Hàn tới Việt Nam hồi năm 2012, Hà Nội tuyên bố tặng người dân ‘đất nước anh em’ 5 nghìn tấn gạo để đối phó với thiên tai.
Dịp đó, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Hội nghị Nhân dân Tối cao Triều Tiên được trích lời nói rằng Bình Nhưỡng ‘luôn coi trọng và mong muốn không ngừng củng cố quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Việt Nam’.
Tin : VOA