Trung Quốc tử hình hai người Tân Cương
Tòa án ở Trung Quốc đã tuyên án tử hình hai người đàn ông trong vụ bạo động ở khu tự trị Tân Cương hồi tháng Tư, truyền thông nước này cho biết.
Trung Quốc đã tăng cường an ninh trên khắp khu tự trị Tân Cương |
Vụ bạo lực này đã làm 21 người thiệt mạng.
Trung Quốc cho rằng thủ phạm gây ra vụ này là ‘những kẻ khủng bố’ – lập luận thường được chính quyền dùng để biện hộ cho việc sử dụng bạo lực ở khu vực có đông người sắc tộc Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo.
Tòa án khu vực Kashgar ở Tân Cương trong phiên tòa chỉ kéo dài một ngày đã tuyên án tử hình đối với Musa Hesen và Rehman Hupur cho các tội giết người và tham gia ‘tổ chức khủng bố’.
Theo đó, ông Hesen bị buộc tội làm thủ lĩnh tổ chức này và chế chất nổ.
Hupur bị kết tội sát nhân và gia nhập ‘tổ chức khủng bố’.
Ba bị cáo khác bị buộc tội tham gia khủng bố bị kết án tù từ chín năm đến chung thân, Tân Hoa Xã đưa tin.
Bị cáo nhận tội?
Cũng theo hãng tin này thì tất cả các bị cáo đã nhận tội trước tòa và được luật sư biện hộ trong suốt phiên xử.
Án tử hình luôn được tòa án tối cao ở Trung Quốc xem xét lại trước khi được thực thi.
Tổng cộng 19 nghi phạm đã bị bắt sau vụ bạo động hồi tháng Tư. Khi đó, đã xảy ra nổ súng khiến 15 công an và nhân viên chính quyền cùng 6 ‘kẻ khủng bố’ thiệt mạng.
Sẽ có thêm các phiên tòa xét xử các nghi phạm còn lại.
Chính quyền cho biết ‘nhóm khủng bố’ này thường xem các đoạn băng video cổ súy cho chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố và tham gia vào những buổi ‘giảng đạo trái phép’. Họ cũng bị cáo buộc là đã lên kế hoạch một vụ tấn công lớn ở khu vực đông đúc dân cư ở Kashgar vào mùa hè.
Bạo loạn xảy ra sau khi công an phát hiện những hành vi khả nghi tại một tư gia ở quận Bachu, ngoại ô thành phố Kashgar. Lo sợ tổ chức của mình bị phát hiện, Hesen sau đó đã ra lệnh cho các thành viên khác trong nhóm tấn công và thiêu sống 15 công an viên và nhân viên công quyền. Sáu người của nhóm này cũng bị bắn chết tại chỗ.
Vụ bạo động này chỉ là một trong một loạt các vụ việc xảy ra do căng thẳng giữa chính quyền và người dân bản địa ở Tân Cương vốn rất khác biệt với người Hán về mặt văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo.
Bắc Kinh nói rằng họ đang đối mặt với mối đe dọa khủng bố có tổ chức từ các nhóm Hồi giáo cực đoan ở khu vực.
Tin : BBC