Điểm Tin Cập Nhật

Tại sao chúng ta không có lãnh đạo?




 Để đấu tranh, phải có người đấu tranh. Không có người đấu tranh thì không có cuộc đấu tranh. Đấu tranh quá ít người thì không có sức mạnh để thay đổi được cục diện. Đó là yếu tố nhân sự. Nhưng đông người mà không đoàn kết, không thống nhất được ý chí và đường lối đấu tranh, thì chỉ là một đám người ô hợp, không sức mạnh. Muốn đám đông ấy liên kết thành một khối, cùng chung một ý chí, cùng theo một đường lối, thì phải có tổ chức. Muốn có tổ chức thì phải có người đứng ra xây dựng tổ chức, quy tụ người vào tổ chức, đồng thời điều hành những người trong tổ chức, tóm lại là phải có người lãnh đạo.

Một tập thể không có lãnh đạo tương tự như rắn không đầu. Không đầu thì thân thể dù lành mạnh cường tráng đến đâu cũng chẳng làm được gì ra hồn.

Cuộc đấu tranh chống độc tài cộng sản hiện nay, muốn chiến thắng, muốn thành công, các lực lượng hay tổ chức đấu tranh dù trong nước hay hải ngoại đều cần có lãnh đạo.

Lãnh đạo một tổ chức ở trong nước quả là khó, vì bất kỳ ai xuất đầu lộ diện lãnh đạo cuộc đấu tranh cũng đều bị cộng sản tìm cách tiêu diệt, khai trừ, bỏ tù, nếu không được thì cô lập, vô hiệu hóa các hoạt động, hay ít nhất là hạn chế khả năng hoạt động. Dù đức độ tài ba đến đâu, hễ đã bị hạn chế hay vô hiệu hóa hoạt động thì khó mà lãnh đạo.

Còn ở hải ngoại tuy không có những khó khăn ấy, nhưng có những khó khăn khác khiến cho lực lượng đấu tranh ở hải ngoại hiện nay chưa xuất hiện được người nào có khả năng quy tụ được đại đa số quần chúng, được quần chúng nể phục, tín nhiệm và chấp nhận quy phục. Biết bao người mong mỏi một lãnh đạo xuất chúng đưa cuộc đấu tranh tại hải ngoại đi đến thành công! Nhưng cho tới nay, sau mấy chục năm đấu tranh, lãnh đạo ấy vẫn chưa xuất hiện. Người Việt hết nhân tài rồi sao?

Để đi vào vấn đề, trước hết cần tìm hiểu xem người lãnh đạo cần có những đặc tính nào.

Lãnh đạo giỏi không nhất thiết phải tài giỏi hơn người về mọi phương diện, mà phải làm sao để những người tài giỏi hơn mình sẵn sàng cộng tác hầu cùng đạt đến mục tiêu chung. Điều mà người lãnh đạo có thể làm được trong khi những người tài giỏi kia không làm được, đó là liên kết các cá nhân hay các nhóm người khác biệt nhau lại thành một tổ chức, đồng thời thống nhất được những đường lối vốn rất đa dạng của những nhóm ấy thành một đường lối duy nhất. Người lãnh đạo giỏi dùng sự khôn khéo, tế nhị, mềm dẻo để thống nhất hơn là dùng những biện pháp mạnh. Cưỡng chế chỉ được sử dụng một cách hạn chế và bất đắc dĩ trong những trường hợp "chẳng đặng đừng" mà thôi.

Biết bao người cho rằng người lãnh đạo lý tưởng mà mọi người mong đợi phải là người gương mẫu, chính trực, biết hy sinh, có nghị lực, tự tin, thông minh, có khả năng phân tích và tổng hợp, vừa sắc bén, nhạy cảm, sẵn sàng ra tay hành động, vừa tập hợp được quần chúng, tạo niềm tin tưởng, cổ vũ và động viên những người cộng tác, đồng thời có tầm nhìn xa, tầm nhìn chiến lược, quyết tâm và bền bỉ theo đuổi, lại quyết đoán và tạo được những thay đổi, v.v...

Nếu cứ kỳ vọng và đòi hỏi người lãnh đạo phải được như thế thì chúng ta rất dễ thất vọng, vì cả thế giới từ xưa đến nay không chắc có vị lãnh đạo nào có đầy đủ những đức tính ấy. Nhìn lại những anh hùng của dân tộc ta cũng như của thế giới, hoặc những người nổi tiếng là những minh quân trên thế giới, chúng ta thấy các vị cũng có khá nhiều khuyết điểm. Người được mặt này thì mất mặt kia. Người điều hành giỏi thì nhiều khi lại rất độc đoán, lúc nào cũng cho mình là đúng; người được mọi người quý mến thì lại thiếu quyết đoán; người đạo đức thì lại dễ tin người nên hay bị qua mặt; người nhân hậu thì không đủ cứng rắn đối với người xấu…

Nhìn lại lịch sử, ta thấy những người lãnh đạo giỏi có thể là người bình dân, không giỏi về chữ nghĩa, như Đinh Bộ Lĩnh, Lê Lợi, Nguyễn Huệ… nhưng có khả năng làm cho những nhân tài xuất chúng như Nguyễn Trãi, La Sơn Phu Tử… cộng tác với mình. Trong bộ tiểu thuyết lịch sử "Hán Sở Tranh Hùng", Lưu Bang cho quần thần thấy ông không giỏi bằng những quan, tướng dưới quyền ông, nhưng ông có khả năng sử dụng họ, làm cho họ hết lòng vì mình... (*)

Saint Bernard nói: "Hỡi những người thông thái, xin hãy dạy dỗ chúng tôi. Hỡi những người đạo hạnh, xin hãy làm gương để chúng tôi bắt chước. Và hỡi những người khôn ngoan, xin hãy lãnh đạo chúng tôi". Như thế, theo Saint Bernard, người lãnh đạo giỏi không nhất thiết là người nổi bật về thông thái hay đạo hạnh, mà phải hơn người về khôn ngoan. Vì thế chúng ta đừng đòi hỏi người lãnh đạo phải là trí thức, thông thái, có bằng cấp, hay có đời sống luân lý thật gương mẫu… Người lãnh đạo chỉ cần đạt được mức trung bình hoặc trên trung bình về hai phương diện ấy là đủ (**).

Người lãnh đạo có thể không giỏi về một số mặt, nhưng để là một lãnh đạo tốt, thì phải có những đặc tính hơn người sau đây: có lòng yêu nước, biết đặt đại cuộc (quyền lợi đất nước) trên tiểu cuộc (quyền lợi riêng của đảng phái, gia đình, cá nhân), lòng quảng đại (không chấp nhất những chuyện tiểu tiết), tính đàn anh (biết bảo vệ và quan tâm đến những người dưới quyền), biết lắng nghe, tính tình cao thượng…

Lãnh đạo có thể có những sai lầm, có thể còn một số những khuyết điểm. Vì thế chúng ta cần có cái nhìn tổng thể mang tính tương đối. Người tốt là người có nhiều điều tốt hơn điều xấu, và người xấu là người có nhiều điều xấu hơn điều tốt. Chứ không phải người tốt là người không có điều xấu, và người xấu là người không có điều tốt. Đừng nhìn vào phần ít hơn mà đánh giá cả toàn thể. Đừng vì một vết đen trong một tờ giấy trắng mà bảo đó là tờ giấy đen! Hiện nay có khá nhiều người đánh giá con người và sự việc theo kiểu ấy!

Thật ra, trên đời, chúng ta rất khó kiếm được sự gì hoàn hảo, lý tưởng, đúng như mình muốn. Những gì chúng ta có thể có được trong tầm tay thường không hoàn hảo. Vì thế sự khôn ngoan đòi hỏi chúng ta phải chọn và chấp nhận cái tương đối tốt nhất hoặc cái ít xấu nhất, chứ không phải cái mình mong muốn. Nếu cứ đòi phải có được cái hoàn hảo và chê bỏ những cái tốt nhất (nhưng không được như ý) đến với mình, chúng ta sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội đáng tiếc. Chúng ta sẽ rơi vào trường hợp "già kén, kẹn hom" của những người vì chỉ muốn kết duyên với người như ý muốn nên từ chối những người tương đối xứng đáng, để rồi khi không thể chờ đợi được nữa thì phải lập gia đình với những người còn dở hơn rất nhiều so với những người mình đã từ chối.

Nhìn lại lịch sử, chúng ta thấy những trường hợp "tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa" không chỉ của một cá nhân hay một đoàn thể mà của cả một dân tộc. Người dân vì không hài lòng với một chính phủ tương đối tốt, nhưng không vừa ý mình nên lật đổ để rồi sau đó phải chấp nhận những chính phủ còn tồi tệ hơn rất nhiều.

Trong các lãnh vực, chúng ta đều phải chấp nhận tính tương đối của con người cũng như sự việc và hoàn cảnh. Trong chính trị cũng thế, thậm chí còn hơn thế nữa.

Muốn lãnh đạo thì trước tiên phải thu phục được quần chúng và có được những người cộng tác chặt chẽ với mình. Vào những thời đại trước, các nhà lãnh đạo tương đối dễ dàng được quần chúng tin tưởng và nể phục hơn là thời đại "bùng nổ thông tin" hiện nay. Và những người lãnh đạo nơi những dân tộc khác dường như dễ xuất hiện hơn nơi người Việt chúng ta!

Tâm thức của người Việt chúng ta dường như vẫn nặng tinh thần "nho quan" do ảnh hưởng của nền văn hóa cổ xưa của Trung Hoa. Ngay từ trong gia đình, cha mẹ thường khuyến khích con cái chịu khó học hành để mai sau ra làm quan hay có địa vị cao trong xã hội hầu có thể "ăn trên ngồi trốc" trong thiên hạ... Tâm lý đó khiến chúng ta thích điều khiển người khác, thích đứng trên đầu trên cổ người khác, và không muốn hay không chấp nhận cho ai lãnh đạo mình cả, trừ trường hợp bị áp lực hay ở trong cái thế phải chấp nhận.

Một lý do khác là chúng ta khó chấp nhận người lãnh đạo mình có khuyết điểm; chỉ cần có một vài khuyết điểm nào đó bất lợi cho ta là ta không còn nể phục, không còn muốn ủng hộ nữa. Nhưng thử hỏi: có ai trên trần này không khuyết điểm? Những anh hùng cái thế trong lịch sử mà chúng ta hết sức cảm phục cũng đều có những khuyết điểm. Nếu phải sống gần họ hay sống chung với họ, có thể chúng ta sẽ bực mình vì tính tình của họ và không phục họ nữa. Nhưng ngày xưa, những khiếm khuyết của họ ít ai biết đến vì họ không sống trong thời đại bùng nổ thông tin như chúng ta hiện nay. Những khiếm khuyết của họ được những người thân chung quanh họ, kể cả những người viết lịch sử, che dấu hay nói nhẹ đi (***). Còn những ưu điểm của họ thì được trưng ra hay thổi phồng lên: "đẹp khoe, xấu che" mà! Cứ xem cách CSVN viết về Hồ Chí Minh thì chúng ta có thể suy ra được phần nào tâm trạng ấy! Đương nhiên những nhà viết sử trong chế độ Cộng sản thì thổi phồng (thậm chí bịa đặt) những ưu điểm và ém nhẹm những khuyết điểm gấp hàng trăm lần những nhà viết sử thời phong kiến!

Còn thời đại internet hiện nay, cả thế giới giống như một làng nhỏ. Khiếm khuyết chỉ có thể che dấu một thời gian, không lâu được. "Cây kim trong bọc cũng có ngày lòi ra", thời nay thì lòi ra rất sớm!

Có những người sẵn sàng tung lên mạng, hoặc phổ biến trên mạng những lời nói xấu (chuyện có thực), vu khống (chuyện không có). Chỉ cần một cái bấm chuột vi tính là những lời nói hành nói xấu, những lời vu khống được phổ biến đến hàng trăm người. Trong số hàng trăm người nhận được thì lại có 5, 10 người tiếp tục phổ biến đến hàng trăm người khác, và cứ thế tiếp tục. Có những người coi việc chê bai, đánh phá người khác như một thú tiêu khiển: Bất kỳ ai tương đối tạo được một thành tích hay uy tín nào đó hơn người một chút là bị họ đánh phá, chửi bới, thậm chí "cạn tàu ráo máng", dù chẳng biết nhau hay chẳng có chút thù oán gì với nhau! Tiếc thay biết bao người tin vào những thông tin ấy và phản ứng bất lợi cho nạn nhân!

Ngày nay nhiều người không còn có khái niệm về khẩu nghiệp hay không còn cho việc nói hành nói xấu hay vu khống người khác là một tội lỗi nữa! Nói xấu hay vu khống bằng miệng thì lời nói bay mất hoặc quên đi dễ dàng và chỉ một vài người nghe được. Còn nói xấu hay vu khống trên internet thì không chỉ được phổ biến đến hàng trăm, ngàn hay hàng triệu người, mà nó còn được lưu lại trong hàng trăm, hàng ngàn máy vi tính cũng như trên mạng Internet và có thể lưu truyền tới thế hệ sau. Cho nên cái "khẩu nghiệp" (nói theo từ ngữ Phật giáo) được tạo trên các diễn đàn Internet chắc chắn nặng nề gấp ngàn lần hơn so với khẩu nghiệp chỉ bằng lời nói thường. Những người hay phổ biến hoặc tiếp tay phổ biến những lời nói xấu hay vu khống bằng Internet thường không nghĩ tới cái ngày họ phải trả nghiệp, trả cái "nghiệp internet" hay cái "‘mạng’ nghiệp" ấy!

Nếu cứ để tình trạng mọi khuyết điểm, mọi cái xấu của những người tương đối có uy tín trong công cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ chống độc tài cộng sản đều được trưng bày hoặc thổi phồng lên trên mạng Internet thì chẳng bao giờ chúng ta có được một người lãnh đạo xuất chúng nổi lên cả. Uy tín của những người ấy đã bị giập tắt "từ trong trứng nước" như thế thì làm sao họ quy tụ được quần chúng? Làm sao họ có được người sẵn sàng cộng tác với họ?

Đất nước của chúng ta khó mà thoát ách độc tài và sẽ không bao giờ trở thành một "con rồng châu Á" vươn lên từ đống đổ nát hiện nay do chế độ cộng sản gây nên nếu không có được những nhà lãnh đạo xuất chúng. Nhưng làm sao những nhà lãnh đạo xuất chúng ấy xuất hiện được nếu chúng ta cứ để cho họ bị triệt đường xuất hiện? Nếu chúng ta chỉ chấp nhận những người lãnh đạo phải thật lý tưởng, phải hoàn hảo đủ mọi mặt, thì làm sao chúng ta có được? hoặc hễ người nào đấu tranh có uy tín một chút cũng bị một đám người chuyên dùng Internet dèm phá, đánh phá, bơi móc, hạ uy tín mà chúng ta lại tiếp tay với đám người ấy bằng cách tin họ một cách ngây thơ, không cần kiểm chứng?

Hãy chấp nhận tính tương đối và hãy nhận định sáng suốt trước những bài viết bêu xấu, mạ lị hay vu khống!

"ĐỪNG TIN NHỮNG GÌ CỘNG SẢN NÓI! HÃY NHÌN NHỮNG GÌ CỘNG SẢN LÀM!"

Người ta cứ dấu này mà nhận biết những ai đang làm lợi cho cộng sản, đang phá hoại đất nước, đó chính là NHỮNG NGƯỜI GÂY CHIA RẼ!

Người Việt Thầm Lặng

________________________

(*) "Hán Sở Tranh Hùng" hồi 41 có đoạn: "Mùa hạ tháng năm, Hán đế đặt tiệc ở cung Nam thành Lạc Dương thết đãi quần thần. Rượu được mấy tuần, Hán đế hỏi: - Trẫm muốn hỏi câu này, liệt hầu và các tướng ai biết cứ trả lời. Quần thần đều để ý lắng nghe. - Trẫm sở dĩ có thiên hạ là vì sao? Họ Hạng mất thiên hạ là vì sao? Cao Khởi, Vương Lăng thưa: - Bệ hạ chuộng nghĩa thi nhân, được thiên hạ cảm mến, còn Hạng Vũ tuy có sức mạnh tuyệt năng, song thiếu đạo đức. Do đó trời đã dành sẵn sự thành bại này. Hán đế nói: - Các khanh chỉ thấy được một phần, chưa thấy được toàn diện. Ðành rằng nhân đạo là gốc, song việc lãnh đạo còn phải ở những yếu tố cần thiết mới thành công được. Như vận trù ở trung quân, quyết thắng ra ngoài nghìn dặm, ta không bằng Tử Phòng. Trấn giữ quốc gia, vỗ về trăm họ, vận tải lương thực cho chu toàn, ta không bằng Tiêu Hà. Cầm quân trăm vạn, đánh đâu được đấy, phá đâu lấy đấy, ta không bằng Hàn Tín. Ba người ấy đều là bậc nhân kiệt, mà ta biết dùng, vì thế nên lấy được thiên hạ. Còn Hạng Vũ có một mình Phạm Tăng mà không biết dùng, cho nên bị chết về tay ta. Quần thần nghe Hán đế nói đều bái phục." (Bản dịch của Mộng Bình Sơn, Hồi 41,

http://www.thaichilibrary.com/ebooks/trunghoa/hansotranhhung.pdf)

(**) Trang Wikipedia về "Lãnh Đạo" có đoạn viết: "Trong tư tưởng trước đây, người ta đòi hỏi các nhà lãnh đạo phải "vừa có tài năng, vừa có đức độ". Tuy nhiên, chính Jack Welch đã khẳng định bằng các tri thức mà ông có được và kinh nghiệm bản thân từ thực tế vô cùng sinh động rằng đó chỉ là mong muốn có tính lý tưởng mà thôi. Trên thực tế gần như không có loại lãnh đạo này.

Những người "có đức độ" thường là người có thiên hướng hoạt động xã hội, phi lợi nhuận và thiếu động lực cần thiết để theo đuổi mục đích mà một lãnh đạo giỏi cần có. Nhiều người trong số này có thể là lãnh đạo song không bao giờ giỏi hoặc chỉ dừng ở mức là các nhà quản lý bình thường.

Trong khi đó, theo Jack Welch, đại đa số các nhà lãnh đạo lại bị thúc đẩy bởi các động lực, thậm chí là các dục vọng (gần trùng với tư tưởng về dục vọng thúc đẩy (libido) trong trường phái phân tâm học của Sigmund Freud). Các động lực này có thể là quyền lực, là tiền, là của cải, các quyền lợi... hay là danh tiếng. Jack Welch cũng bác bỏ mô hình nhà lãnh đạo lý tưởng và cho thấy theo tổng kết của ông, có đến khoảng 70% số lãnh đạo giỏi bị thúc đẩy và thành công bởi động lực hay dục vọng."

(xem http://vi.wikipedia.org/wiki/Lãnh_đạo)


(***) Thiết tưởng chúng ta không nên dẫn chứng những khuyết điểm ấy ở đây, vì lòng tôn kính đối với các vị tiền nhân anh hùng.

0 comments cho " Tại sao chúng ta không có lãnh đạo? "

Cho Ý Kiến Của Bạn

Newer Post Older Post
^Xem Lại Trên