Điểm Tin Cập Nhật

MINH TRIẾT VIỆT TRONG SỰ TÍCH ÔNG TÁO


MINH TRIẾT VIỆT TRONG SỰ TÍCH ÔNG TÁO


Tác giả: Nguyễn Vũ Tuấn Anh
Nguồn: TT Nghiên cứu Lý học Đông Phương
Rất nhiều người quan niệm rằng tục cúng ông Táo là của người Hán du nhập vào văn hóa Việt. Thậm chí nó được các học giả nói một cách rất nghiêm túc. Nhưng sự thật lại hoàn toàn ngược lại! Chính nền văn hiến Việt trải gần 5000 huyền vĩ ở bờ Nam sông Dương Tử là nguồn gốc của phong tục cúng ông Công Ông Táo. Khi nền văn minh này sụp đổ ở Nam Dương Tử và bị Hán hóa trải hàng ngàn năm; khiến ngày nay người ta ngộ nhận tục cúng ông Công Ông Táo của người Hán. Bài viết này sẽ chứng minh với các bạn điều đó.
Ông Táo trong truyền thuyết và phong tục Việt.
Cứ mỗi khi năm hết Tết đến thì nhà nhà Việt Nam theo phong tục lại làm lễ cúng Ông Táo về trời. Đây là một phong tục thuần Việt có từ thời Hùng Vương dựng nước và còn giữ lại trong truyền thống văn hóa Việt đến ngày nay. Bẳng chứng gián tiếp cho điều này là từ thời Hùng vương thứ VI, vua Hùng đã chấm giải nhất cho hoảng tử Lang Liêu là người kế vị và bánh chưng bánh dày do hoàng tử Lang Liệu được đặc biệt dùng cúng tổ tiên trong ngày Tết.
Từ đó, chúng ta dễ dàng suy ra rằng: Lễ Tết nguyên đán có từ thế kỷ XV BC - tương đương thời vua Bàn Canh của Ân Thương. Từ đó chúng ta dễ dàng đặt vấn đề với lễ cúng Ông Táo về trời liên hệ đến ngày giáp Tết phải là phong tục của người Việt từ thời xa xưa. Bởi vì, khi nền văn minh Họa Hạ khi tiếp quản được nền văn minh ở Nam Dương Tử đã Hán hóa những giá trị văn hóa Việt trong hơn 1000 năm và tiếp tục duy trì đến bây giờ, ở vùng đất cũ của Văn Lang xưa, khiến không ít người ngộ nhận tục cúng ông Táo của người Hán. Nhưng chính vì nguồn gốc tục cúng Ông Táo trong văn hóa Hán chỉ là sao chép lại từ văn hiến Việt. Nên nó chỉ là một tín ngưỡng thuần túy và không mang tính minh triết liên hệ với nội dung của nó. Ngược lại, truyền thuyết của dân tộc Việt với hình ảnh Táo quân "Hai ông, một bà" và nội dung của nó lại trùng khớp hoàn toàn về nội dung với những giá trị minh triết Đông phương của chính cái mà người ta gọi là có nguồn gốc Hán.
Chúng ta hãy xem lại truyền thuyết có dấu ấn cổ xưa nhất về ông Táo còn lưu truyền trong văn hóa Việt, tóm lược như sau:
Trọng Cao có vợ là Thị Nhi ăn ở với nhau đã lâu mà không con, nên sinh ra buồn phiền, hay cãi cọ nhau. Một hôm, Trọng Cao giận quá, đánh vợ. Thị Nhi bỏ nhà ra đi sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang. Khi Trọng Cao hết giận vợ, nghĩ lại mình cũng có lỗi nên đi tìm vợ. Khi đi tìm vì tiền bạc đem theo đều tiêu hết nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin.
Khi Trọng Cao đến ăn xin nhà Thị Nhi, thì hai bên nhận ra nhau. Thị Nhi rước Trọng Cao vào nhà, hai người kể chuyện và Thị Nhi tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng.
Phạm Lang trở về nhà, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao nơi đây thì khó giải thích, nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về nhà liền ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra nên bị chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết bởi sự sắp đặt của mình nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo.
Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ. Ngọc Hoàng cảm động trước mối chân tình của cả ba người, (2 ông, 1 bà), và cũng cảm thương cái chết trong lửa nóng của họ, ngài cho phép họ được ở bên nhau mãi mãi bèn cho ba người hóa thành “ba đầu rau” hay "chiếc kiềng 3 chân" ở nơi nhà bếp của người Việt ngày xưa. Từ đó, ba người ấy được phong chức Táo Quân, trông coi và giữ lửa cho mọi gia đình, đồng thời có nhiệm vụ trông nom mọi việc lành dữ, phẩm hạnh của con người. Táo Quân, còn gọi là Táo Công, là vị thần bảo vệ cho cuộc sống gia đình, thường được thờ ở nơi nhà bếp, cho nên còn được gọi là Vua Bếp.
Tranh dân gian Việt - bản khắc gỗ
Theo tục lệ cổ truyền, người Việt tin rằng, hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Cho đến đêm Giao thừa Táo Quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc coi sóc bếp lửa của mình.
Vị Táo Quân quanh năm ở trong bếp nên biết hết mọi chuyện hay dở tốt xấu của mọi người, cho nên để Vua Bếp "phù trợ" cho mình được nhiều điều may mắn trong năm mới, người ta thường làm lễ tiễn đưa Ông Táo về chầu Ngọc Hoàng rất trọng thể. Người ta thường mua hai mũ Ông Táo có hai cánh chuồn và một mũ dành cho Táo Bà không có cánh chuồn, ba cái áo bằng giấy cùng một con cá chép (còn sống hoặc bằng giấy, hoặc cũng có thể dùng loại vàng mã gọi là “cò bay ngựa chạy”) để làm phương tiện cho “Vua Bếp” lên chầu trời. Ông Táo sẽ tâu với Ngọc Hoàng về việc làm ăn, cư xử của mỗi gia đình dưới hạ giới. Lễ cúng thường diễn ra trước 12h trưa, sau khi cúng xong, người ta sẽ hóa vàng đồ lễ, nếu có cá sống thì sẽ đem thả xuống sông, hồ, biển hay giếng nước, tùy theo khu vực họ sinh sống.
Càng tiến dần vào trong Nam thì tục cúng ông Táo về trời có một chút thay đổi. Nhưng lễ cúng Táo Quân ở miền Bắc với một nghi lễ không thể thiếu là Cá Chép là mang tính nguyên thủy hơn cả. Qua truyền thuyết của dân tộc Việt truyền lại, chúng ta thấy rằng hình ảnh hai ông một bà - tức một Âm hai Dương hoàn toàn trùng khớp với quẻ Ly trong Kinh Dịch.
Quẻ Ly
Nội dung tương tự như vậy tôi đã viết từ lâu trên tuvilyso.com (Bây giờ là tuvilyso.net). Nhưng hồi đó, tôi cũng mới chỉ dừng lại đây. Nhưng trong bài viết này, tôi tiếp tục minh chứng thêm những tình tiết liên quan tính minh triết Đông phương với lễ Táo Quân trong truyền thống văn hóa Việt.
Vết lõm trên ông đầu rau trong bếp Việt xưa.
Ba vị Táo quân trong phong tục Việt cũng phù hợp với thực tế cái bếp xưa của Việt tộc cũng chỉ có ba miếng đất gọi là: Ông Đầu rau.
Ba ông Đầu rau trong bếp Việt xưa.
Một trong những nét độc đáo khi tạo ba ông đầu rau để nấu bếp là khi nặn bao giờ người thợ nặn cũng lấy ngón tay ấn nhẹ vào giữa một trong ba ông này, tạo thành một vết lõm tròn. Và ông đầu rau có vết lõm đó bao giờ cũng đặt vào giữa. Bây giờ, bếp ga, bếp dầu ầm ầm. Xưa nhất cũng là cái kiềng ba chân bằng sắt phổ biến ở thành thị. Ông Đầu rau bằng đất dù ở vùng sâu, vùng xa cũng chắc không còn nữa. Huống chi một vết nhấn tròn giữa một ông đầu rau, chắc chẳng ai còn nhớ. Cho nên, điều mà người viết nói ở đây, may ra chỉ còn trong ký ức của những người cao niên, ở một miền quê xa xôi nào đó.
Ý nghĩa của vết lõm này, chính là dấu hiệu của tính bao trùm mà tiếng cổ Việt ngày xưa gọi là "Cái'. Tức Táo bà. Quẻ Ly thuộc Dương, nhưng lại ở phía dưới Hà Đồ, nên tính Âm mới bao trùm lên tất cả. Bởi thế tính Âm mới làm cái trong ba ông Đầu rau. Chính vì vậy, Ly là Trung Nữ.
Trong bức tranh dân gian Việt mà các bạn thấy ở trên táo bà ngồi giữa hai ông thì trong quẻ Ly hào Âm cũng đứng giữa. Quẻ Ly thuộc Hỏa nên biểu tượng cho bếp cũng thuộc Hỏa. Biểu tượng trong truyện dân gian "cả ba người cùng chui trong đống lửa" đấy chính là hình tượng của ba ông đầu rau trong bếp mỗi nhà.
Lạc Thư Chu Dịch trong phong tục cúng Táo Quân của người Việt.
Một hình ảnh gắn liến với lễ Táo Quân chính là con cá chép. Tại sao về trời mà Táo quân lại cưỡi cá chép? Sao không phải là cưỡi chim? Ông cha ta có lầm lẫn gì không? Hoàn toàn không! Khi mà tổ tiên người Việt đã để lại cho hậu thế một nền văn hiến vĩ đại. Con cá chép thuộc hành thủy. Trong những di sản văn hóa phi vật thể là những bức tranh dân gian Việt chúng ta thấy trang đàn lợn với một lợn mẹ và năm lợn con. Đây chính là hình tượng của "Thiên Nhất sinh thủy - Địa lục thành chi". Chúng ta cũng thấy hình tượng này trong tranh cá chép làng Đông hồ: Một con cá mẹ với năm con cá con.
Tranh Đàn Cá - Tranh dân gian Đông Hồ. 
Thiên nhất sinh thủy . Địa lục thành chi.
Cá thuộc hành Thủy, tượng của quẻ Khảm: 
Và hình tượng Táo quân cưỡi cá chép, chính là biểu tượng của quẻ Hỏa Thủy Vị tế trong kinh Dịch. Đây là quẻ cuối cùng kết thúc một chu kỳ 64 tư quẻ Dịch. Biểu tượng cho chu kỳ tuần hoàn của tạo hoá trong một năm đã kết thúc và chuyển sang một chu kỳ mới và mọi việc vẫn còn tiếp tục để một năm mới tốt lành. Đó là tinh thần của quẻ Vị Tế.
Quẻ Hỏa Thủy Vị Tế.
Biểu tượng của Táo Quân (Hỏa) cưỡi trên lưng cá chép (Thủy).
Ngày 23 tháng Chạp. Ông Táo về trời.
Tại sao Ông Táo lại về trời lại là ngày 23 tháng Chạp mà không phải là ngày 30? Ngày này là ngày mà lý học Đông phương cho là ngày Nguyệt Kỵ. Vậy Táo quân lại chọn đúng ngày này lên trời liệu có sái không? Sách cổ chữ Hán chỉ ghi nhận mùng 5, 14, 23 là ngày Nguyệt kỵ và không một lời giải thích. Trong truyền thuyết dân gian Việt thì cho rằng "Đó là những ngày vua đi, nên kiêng ra đường". Tôi đạ chứng minh trong một tiểu luận rằng: Đây chính là phép du niên phiên tinh ngày, tính theo tháng. Ngày của sao Ngũ Hoàng nhập trung theo chu kỳ cửu cung. "Vạn vật qui ư thổ" hay nói theo thuyết Âm Dương Ngũ hành thì đây chính là ngày kết thúc chu kỳ của Ngũ Hành vào tháng cuối cùng trong Năm. Kết thúc chu kỳ Ngũ hành vào ngày 23, đồng thời cũng là kết thúc chu kỳ của 64 quẻ Dịch. Hành thổ thuộc trung cung thuộc ngôi Hoàng cực chi phối Ngũ Hành - Theo Lý học Đông phương - thuộc về Hoàng tộc, nên là ngày của Vua Bếp - Táo Quân về trời.
Y phục của Táo Quân và vì sao Táo Quân không mặc quần?
Bức tranh dân gian Việt ở trên vẽ ba vị Táo Quân, đều mặc quần nghiêm chỉnh, với những hàng chữ Hán phía trên. Bức tranh này hẳn được sáng tác kể hàng ngàn năm sau khi nền văn minh Văn Lang sụp đổ ở miến Nam sông Dương Tử. Bởi vì, trong phong tục còn giữ lại được đến ngày nay trong dân gian Việt thì Táo Quân không mặc quần. Điều này cũng giống như hàng ngàn năm trôi qua, những con rối nước trong văn hóa dân gian Việt được vẽ cái vạt áo bên phải vậy. Hiếm lắm, trong kho tàng chất những con rối nước cổ bỏ đi, may ra còn những con rối xưa cài vạt áo bên trái. Vậy Táo Quân không mặc quần có ý nghĩa gì trong truyền thống Việt?
Lịch sử Trung Hoa ghi lại: Chính cái quần là của các dân tộc phía Bắc Trung Hoa và không thuộc về y phục Hán cổ. Vào cuối thời Xuân Thu, đầu thời Chiến Quốc, Triệu Vũ Vương mới đưa cái quần vào làm y phục chính thức của nước Triệu. Và y phục này thích hợp với các chiến binh trong các cuộc chiến liên miên giữa các quốc gia so với vải quây che phần thần dưới trước đó. Sau này chiếc quần mới phổ biến trong thất Quốc và do các chiến binh mặc và trở thánh y phục của Trung Hoa. Nhưng Người Việt, với tư cách là một nhà nước độc lập ở Nam Dương Tử, tất nhiên không thể tiếp thu một cách nhanh chóng y phục quần của các dân tộc phi Hán ở Phương Bắc Trung Quốc. Điều này cho thấy rằng: Phong Tục thờ Táo Quân phải có từ rất lâu, trước cả khi dân tộc Hán bị xâm nhập văn hóa mắc quần của các dân tộc phái Bắc này và còn giữ đến bây giờ. Và điều này như tôi đã phân tích ở trên: Nó phải có trước thời Vua Hùng Vương Thứ VI quyết định dùng bánh Chưng bánh dầy vào lễ Tết của dân tộc Việt. Còn nếu như thời Hùng Vương chỉ ra đời vào Thiên Niên kỷ thứ nhất trước CN và Tết Việt Nam là văn hóa Hán là chủ nhân đích thực của văn hóa Đông phương thì ông Táo Việt đã mặc quần như bức tranh dân gian sáng tác về sau này mà bạn đọc đã nhìn thấy ở trên.
Táo Quân Việt không mặc quần.
Qua sự minh chứng và phân tích ở trên, chúng ta cũng nhận thấy rằng: Đằng sau một phong tục cổ truyền của dân tộc Việt - tục cúng "Ông Táo về trời" là cả một sự minh triết liên quan chặt chẽ đến nền Lý học Đông phương - mà từ lâu tôi đã minh chứng - thuộc về nền văn hiến huyền vĩ Việt, một thời huy hoàng ở miến Nam sông Dương Tử. Có thể nói rằng: Không phải ngẫu nhiên mà có sự trùng khớp hợp lý gần như toàn bộ nhứng nét chính của phong tục cúng ông Công, ông Táo với những quan niệm có tính nguyên lý của Học thuật cổ Đông phương. Sở dĩ có sự trùng khớp hợp lý đến kỳ lạ này, chính vì nó là hệ quả của nền minh Đông Phương thuộc về nền văn hiến Việt được đưa vào cuộc sống văn hóa Việt qua phong tục cúng đưa "Ông Công, Ông Táo về trời".
Vấn đề cũng không chỉ dừng lại ở đây. Khí chính chiếc mũ Ông Công, Ông Táo được bán đầy ở khắp kẻ chợ , thôn quê ngày nay lại là một hình tượng được cách điệu bằng giấy của chiếc mũ các vua Hùng trên trống đồng Lạc Việt:
Mũ Ông Công Ông Táo trên khắp chợ cùng quê trong nền văn hiến Việt còn đến ngày nay.
Hình người trên trống Đồng Lạc Việt với mũ có hình đầu rồng (Bên phải) và hai dải mũ cao vút.
Kỳ diệu thay nền văn hiến Việt. Mong rằng các thế hệ sau đừng vội quên đi nguồn cội của thời Hùng Vương dựng nước mở đầu cho tập Việt sử trải gần 5000 năm văn hiến.

1 comments cho " MINH TRIẾT VIỆT TRONG SỰ TÍCH ÔNG TÁO "

  1. Thật là hay và ý nghĩa,

Cho Ý Kiến Của Bạn

Newer Post Older Post
^Xem Lại Trên