Điểm Tin Cập Nhật

Thuyết đấu trí-RFA



Thuyết đấu trí

2012-12-05
Trong một chương trình chuyên đề cách đây hai tuần, chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa đã trình bày các xảo thuật thương thuyết của Trung Quốc.
AFP photo
Nhà toán học Thomas C. Schelling nói chuyện với sinh viên tại trường Đại học Maryland sau khi ông được trao giải thưởng Nobel Kinh tế cho việc sử dụng lý thuyết đấu trí để giải quyết xung đột hôm 10 Tháng 10 năm 2005.
Nội dung của tiết mục này được nhiều thính giả chú ý, và câu hỏi được nêu ra là các nước có thể làm gì để ứng phó với động thái của lãnh đạo xứ này?
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Hôm 21 Tháng 11 vừa qua, ông có phân tích các thủ thuật đàm phán ngoại giao và thương thuyết kinh tế của lãnh đạo Trung Quốc với nhiều nhận xét gây chú ý về nỗi khó khăn của các nước trong tiến trình hợp tác với Bắc Kinh. Trong hoàn cảnh đó, thưa ông, thính giả của chúng ta muốn biết các nước đối tác có thể làm gì khi thương thuyết với Trung Quốc hầu bảo vệ được quyền lợi của họ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Để tìm hiểu câu trả lời, tôi xin tự giới hạn trong phạm vi thương thuyết về kinh tế hay kinh doanh hơn là về ngoại giao. Nhưng cũng xin nhấn mạnh từ đầu, rằng mọi việc thương thuyết dù là ngoại giao hay kinh tế, đều bị chi phối bởi chính trị, là yếu tố mà ta không thể xao lãng. Khi nói đến chính trị, ta không quên rằng kinh tế chính là chính trị, và trước Marx trăm năm, có lẽ cha đẻ của môn kinh tế học là Adam Smith đã sớm nói đến "kinh tế chính trị học". Cho nên khi đàm phán về kinh tế hay kinh doanh, về các hồ sơ người ta gọi là "vĩ mô" hay "vi mô", chúng ta không thể bỏ qua yếu tố chính trị.
Sở dĩ như vậy, và đây là chuyện đáng lưu ý nữa, các nước nói chung đều tham gia hợp tác và đàm phán cho việc hợp tác trong môi trường lý tưởng là có pháp quyền, với tinh thần minh bạch tôn trọng các luật lệ và cam kết. Sự thể thực tế thường không được như vậy và càng không hề có với Trung Quốc. Một thí dụ cụ thể là chủ trương của Bắc Kinh trong các hợp đồng khai thác và mua bán một sản phẩm tối cần thiết cho công nghiệp là đất hiếm, khi họ sẵn sàng bội tín để ấn định hạn ngạch xuất khẩu hoặc thay đổi giá biểu đã cam kết trước đó. Khi các nước phải tìm ra nguồn cung cấp khác về đất hiếm thì Bắc Kinh liền đổi giọng. Chính là sự yếu kém của các nước cũng tạo ra sức mạnh thương thuyết của Trung Quốc.
Vũ Hoàng: Ông nói như vậy thì ai cũng ngại, nhất là ở tại Việt Nam vì là một nước láng giềng nghèo và yếu hơn, đang bị Trung Quốc uy hiếp về nhiều mặt, lại do một đảng Cộng sản lãnh đạo mà đảng này lại coi lãnh đạo Bắc Kinh như một đồng chí về ý thức hệ.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa rằng đúng thế, nhưng cũng chính vì vậy mà mình càng phải nói ra để thấy được đâu là nguyên nhân và đâu là hậu quả khi phân tích nghệ thuật đàm phán hay đấu trí với Trung Quốc.
Vũ Hoàng: Ông nói đến "đấu trí" vì nghĩ rằng việc đàm phán chính là đấu trí?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa ông, câu trả lời của tôi gồm có hai phần, truyền thống và hiện đại.
Thứ nhất là về truyền thống thì người Việt đã có hơn hai ngàn năm đấu trí để tồn tại và còn giành lại độc lập sau ngàn năm Bắc thuộc. Kinh nghiệm tích lũy đó đã trở thành một phần hồn của dân tộc và là một kho kiến thức của tập thể mà mình nên nhắc lại và giáo dục cho các thế hệ. Phải nói rằng ít có dân tộc nào lại có nhiều kinh nghiệm ứng xử trong một chiều dày văn hóa và lịch sử như vậy. Cho nên những gì đang xảy ra từ mấy chục năm nay, từ khi có đảng Cộng sản Việt Nam được thành hình trong lãnh thổ của Trung Quốc, chỉ là một giai đoạn ngắn mà thôi.
Thứ hai và về chuyện hiện đại thì tôi muốn nhân dịp này nhắc đến giải Nobel Kinh tế năm 1994 của ba học giả được giải thưởng vì lập ra một học thuyết về cách đấu trí. Người ta hay gọi đó là "thuyết trò chơi" do phiên dịch chữ "game theory" mà tôi xin phép dịch khác đi thành "thuyết đấu trí". Nếu áp dụng thuyết này thì ta có thể nhìn ra cách đàm phán thắng lợi với Trung Quốc.

Thuyết đấu trí là gì?

000_APH2003021833266-250jpg.jpg
Nhà toán học John Nash được trao giải Nobel Kinh tế vào năm 1994. AFP photo
Vũ Hoàng: Quả là ông hay có lối dẫn nhập hấp dẫn! Ông nói rằng có một thuyết đấu trí đã được giải Nobel về kinh tế trong khi đa số chúng ta thường chỉ nghĩ đến thuyết trò chơi trong phạm vi toán học thôi. Rồi ông còn cho rằng ta có thể áp dụng thuyết này khi đàm phán với Bắc Kinh. Đầu tiên, xin ông trình bày khái quát và thật dễ hiểu nội dung của cái thuyết đấu trí này.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước hết, để các thính giả trẻ tuổi hay những ai quan tâm có thể tìm lên ngọn nguồn, xin nói rằng ba học giả đã lãnh giải Nobel Kinh tế 1994 là nhà toán học John Nash, và hai kinh tế gia là John Harsanyi người Mỹ gốc Hung-Áo và Reinhard Selten người Đức gốc Do Thái. Thuyết đấu trí của họ về sau được gọi là "Mô hình Nash/Harsanyi" vì ông Nash viết ra khi còn là sinh viên toán và ông Harsanyi giải thích cho tinh vi hơn về mặt tâm lý và kinh tế.
Về nội dung thì tôi xin được tóm lược với ví dụ minh diễn như sau. Thứ nhất, cuộc đấu trí hoặc đàm phán có nhiều đối tác chứ không chỉ có hai người, thí dụ như Hiệp hội 10 Quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn và Hoa Kỳ, tức là có 14 nước. Trong tập thể ấy, hãy tưởng tượng đến giải pháp thương thuyết của từng cặp hai nước, ví dụ như Mỹ với Việt Nam, Miên với Lào, Nhật với Trung Quốc, căn cứ trên quan hệ song phương của họ. Bước thứ ba là nghĩ đến thế liên kết đa phương để từng nước tranh thủ hay đấu tranh với nhau, ví dụ như giữa ba nước dân chủ theo kinh tế thị trường là Mỹ, Nhật, Hàn, hoặc giữa ba nước Đông Dương Việt, Miên, Lào bên cạnh Trung Quốc. Từ đó thì từng nước hay từng đối tác đã có nhiều chiến lược khác nhau trong tinh thần biến hoá là liên kết hay đối lập với nhau, kể cả chiến lược hăm dọa có thể sử dụng, thí dụ như những thiệt hại khả dĩ xảy ra nếu không đạt nổi đồng thuận.
Vũ Hoàng: Như ông vừa trình bày thì không chỉ có hai xứ, ví dụ như Việt Nam và Trung Quốc, đang đàm phán với nhau mà ngay trong cuộc đàm phán này còn có nhiều nước khác cũng liên hệ và có thể làm thay đổi chiến lược của từng nước. Tức là ta phải nghĩ rộng ra ngoài và vận dụng được các nước khác làm lợi thế thương thuyết của mình vì mở ra nhiều chiến lược khác. Nhưng ông cũng nói đến cả chiến lược hăm dọa, ví dụ như nêu ra những thiệt hại nếu không có thoả thuận và việc đàm phán tan vỡ. Đấy là chuyện gì vậy, thưa ông?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta sẽ trở lại cái điểm hăm dọa ấy vì đấy là nội dung chủ yếu của trò đấu trí này. Tôi xin trình bày tiếp là sau khi tính ra những chiến lược khác nhau mà từng nước có thể áp dụng khi đàm phán thì mình vẫn trở lại chuyện thế và lực. Tức là từng nước phải nghĩ đến các phương tiện kinh tế hay quân sự mà họ có thể huy động được từ bên trong, hoặc vận dụng từ các nước liên kết khác ở vòng ngoài. Thí dụ như trong vụ Hoàng Sa Trường Sa hay việc đầu tư khai thác năng lượng ngoài thềm lục địa của Việt Nam, người ta không chỉ có Hải quân Việt Nam đối diện với Hải quân Trung Quốc có bộ chỉ huy ở huyện Tam Sa mà còn có hải quân của các nước khác, hoặc không chỉ có tập đoàn dầu khí CNOOC của Bắc Kinh với các tổ hợp dầu hỏa Mỹ mà còn có nhiều quyền lợi kinh tế khác của ASEAN, Ấn Độ, Nhật, Nga, v.v...
Bước thứ sáu là trong lối tính toán về huy động và vận dụng ấy, mình phải nghĩ đến quyền lợi có thể chia cho nước khác căn cứ trên sự đóng góp của họ, chứ thế gian không có chuyện hợp tác hay yểm trợ miễn phí. Sau cùng và quan trọng nhất trên một trận thế có rất nhiều giải pháp và chiến lược khả dụng, từng nước phải châm thêm yếu tố rủi ro, hoặc khả năng chịu đựng rủi ro, trong cách tính toán về quyền lợi của mình. Nếu chỉ nghĩ đến giải pháp ta cho là thuận lợi nhất mà không lý đến rủi ro hay thiệt hại thì mình bị nhược điểm duy ý chí trong cuộc đấu trí. Tôi biết là sự tình này rất phức tạp và khi vào cuộc thương thuyết thì phải vẽ ra một trận đồ bát quái.
Trong truyện Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa mà nhiều người Việt mình đã gần như thuộc lòng có đoạn mô tả Gia Cát Khổng Minh giả bệnh mà không lâm triều khiến Hậu chúa Lưu Thiện rất lo sợ vì có sáu đạo quân đang hăm he tấn công Tây Thục. Qua cách thêu dệt của tác giả, ta thấy ra Khổng Minh đã vẽ trong đầu cả một cuộc cờ để đẩy lui sáu đạo quân này. Chuyện hiện đại là ngày nay người ta còn cố gắng định lượng từng yếu tố để cân nhắc rủi ro so sánh với lợi ích của cả trận đồ hầu giảm thiểu được sự chủ quan và nhất là đánh giá đúng sự hăm dọa về thiệt hại.

Nghịch lý của thuyết đấu trí

000_Hkg7588591-250.jpg
Người dân Việt Nam biểu tình chống Trung Quốc bị công an canh gác chặt chẽ. AFP photo
Vũ Hoàng: Nếu chúng tôi hiểu không lầm thì trong cuộc đấu trí này, người ta cần nghĩ đến nhiều tác nhân chứ không chỉ có hai nước trong cuộc và cái lợi luôn luôn đi cùng cái hại, và yếu tố ông gọi là rủi ro ấy có giữ một vai trò quyết định. Thưa ông có phải như vậy không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa là đúng thế và mô hình đấu trí Nash/Harsanyi nêu ra một nghịch lý đáng chú ý. Đó là người ta thường lầm tưởng rằng trong cuộc đàm phán như vậy, đôi bên đều biết tiến và lùi để sau cùng nhường nhau một phần quyền lợi hầu đạt được một tỷ lệ chia chác hay nhượng bộ quân bình là 50-50, tức là đôi bên cùng có lợi, còn hơn là chẳng được gì, tức là mất cả. Nghịch lý ở đây là trong mọi cuộc đấu trí, duy nhất có một kết quả chung cuộc là tỷ lệ 65-35, tức là một phe lại được nhiều hơn. Ông Harsanyi giải thích nghịch lý mà nhà toán học John Nash tìm ra, đó là vì một phe có khả năng chịu đựng rủi ro thấp hơn và vì sợ mà nhượng bộ nhiều hơn. Chúng ta trở lại khả năng hăm dọa và xảo thuật thương thuyết của Trung Quốc.
Vũ Hoàng: Bây giờ thì có lẽ thính giả của chúng ta hiểu ra cái điểm mà ông nhấn mạnh, đó là sự sợ hãi của các nước, như sợ lỗ, sợ khổ, sợ chiến tranh, mới giúp Bắc Kinh đạt lợi thế. Và xảo thuật thương thuyết của Trung Quốc như ông trình bày kỳ trước là liên tục gây sức ép về đủ loại vấn đề làm đối phương rối trí và mệt mỏi nên không thẩm định được sự rủi ro cho chính xác.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa nôm na là họ biết tháu cáy và dọa già nên có cái thế lớn hơn cái lực, trong khi ấy, ở bên trong họ lại rối trí vì rất nhiều vấn đề nội bộ. Thực chất của vấn đề là Trung Quốc có nền kinh doanh ăn cắp, nền kinh tế ăn cướp và chính sách đối ngoại bá quyền bao trùm lên sự ung thối trong nội tạng mà vẫn cứ làm ra vẻ văn minh hiếu hòa trong đàm phán. Nếu các nước nhìn ra bản chất ấy và không nhượng bộ mà cũng chẳng hãi sợ thì chính lãnh đạo Bắc Kinh sẽ lùi vì họ biết ra và rất khéo vận dụng quy luật "mềm nắn rắn buông".
Nghịch lý ở đây là trong mọi cuộc đấu trí, duy nhất có một kết quả chung cuộc là tỷ lệ 65-35, tức là một phe lại được nhiều hơn.
Nguyễn-Xuân Nghĩa
Trở lại chuyện Việt Nam, ta thấy lãnh đạo xứ này có mức chịu đựng rủi ro thấp hơn vì sợ bị mất quyền và sẵn sàng nhượng bộ để tìm lợi riêng. Đây không phải là một sự phê phán võ đoán mà là thực tế khi lãnh đạo Việt Nam ngăn cản và cầm tù những ai biểu tình kết án Trung Quốc. Đáng lẽ phản ứng đó của người dân tạo thêm lợi thế quốc gia và quốc tế cho Việt Nam khi cần đàm phán vì phơi bày bản chất của Trung Quốc và dễ huy động công luận thế giới. Lý do là Trung Quốc có nhược điểm là cái danh, là nỗi sợ hãi bị mất thể diện. Và căn bản nhất, kinh tế xứ này rất cần thế giới chứ không thể bế môn tỏa cảng hay tự tung tự tác ở bên trong. Vi thời lượng có hạn, chúng ta sẽ còn nhiều cơ hội khác để đi vào từng chuyện cụ thể.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về cuộc trao đổi này.

0 comments cho " Thuyết đấu trí-RFA "

Cho Ý Kiến Của Bạn

Newer Post Older Post
^Xem Lại Trên