Điểm Tin Cập Nhật

Biểu tình ở Hungary: KHÔNG GÌ DỄ HƠN!



     Biểu tình ở Hungary: KHÔNG GÌ DỄ HƠN!

Gần chục năm trở lại đây, biểu tình đã trở thành một cái “mốt” - và đồng thời, là một nét bình thường trong sinh hoạt xã hội tại Hungary. Là một đất nước dân chủ, dân Hung hầu như có thể biểu tình “thỏa thích”, chỉ cần tuân thủ một vài quy định nhỏ. Không những thế, dân Hung còn có thể giương các biểu ngữ chửi rủa, miệt thị, thậm chí... dọa dẫm giới chính khách mà nói chung, không bị “hề hấn” gì đặc biệt.

Mạng điện tử index.hu, dựa trên các đạo luật hiện hành, đã có bài phân tích về những gì mà một “biểu tình viên” cần biết, để có thể thực hiện một cách hữu hiệu và an toàn quyền tự do hội họp và tụ tập, nhằm thực hành một trong những quyền căn bản của công dân - quyền thể hiện ý nguyện chính trị của mình.

PHẢI THÔNG BÁO

Nếu hiện tại bạn không tìm ra một cuộc biểu tình nào phù hợp với “sở nguyện” của bạn thì cũng không có gì khó, bạn có thể tự tổ chức.

Một trong những kết quả quan trọng nhất của chuỗi đàm phán nổi tiếng mang tên “Bàn tròn Đối lập” của Hungary năm 1989 là sự ra đời của Đạo luật số 3 (năm 1989) về quyền (tự do) hội họp, tuyên bố rằng mọi công dân đều có quyền căn bản là tổ chức, duy trì và tự nguyện tham gia những cuộc hội họp, tụ tập, tuần hành và biểu tình ôn hòa, và tại đó, họ được tự do bày tỏ ý kiến của mình.

Nếu bạn muốn tổ chức biểu tình tại những nơi công cộng - phố phường, quảng trường, cầu cống... -, tối thiểu, bạn phải thông báo trước điều này cho cơ quan cảnh sát tại nơi bạn muốn “khởi sự”. (Ở Budapest, cơ quan đó là Sở Cảnh sát Budapest BRFK).

Bạn phải nêu rõ: bạn dự định sẽ bắt đầu biểu tình ở đâu, vào lúc nào, kéo dài đến bao giờ, lộ trình thế nào, kết thúc ở đâu. Bạn phải cho biết: mục đích biểu tình cũng như trình tự của các diễn giả và các “tiết mục” trong đó. Rồi bạn cần cung cấp số điện thoại, địa chỉ của Ban tổ chức.

Có thể bạn sẽ cảm thấy khó chịu nhất khi cảnh sát hỏi bạn, sẽ có bao người cùng bạn biểu tình (“bố” ai biết mà hỏi?). Không hề gì, bạn nói bao nhiêu cũng được, cố nhiên phải để tâm chút đỉnh đến “sức chứa” nơi bạn định “hành sự”. Nếu số người tham gia ít hơn con số này thì cùng lắm, chỉ có Ban tổ chức là thất vọng.

Còn nếu con số ấy gấp trăm lần số bạn thông báo cảnh sát, cũng không sao: dù chính quyền có thể bực dọc, song bạn có thể điềm nhiên mà viện cớ có một số nhóm “tự nhiên” đến dự biểu tình dù bạn không mời. Bởi lẽ, tham dự một cuộc biểu tình đang được tiến hành cũng là một quyền căn bản và bất khả xâm phạm của công dân mà ngay cả Ban tổ chức cũng không được hạn chế.

Về căn bản, Ban tổ chức phải lo giữ trật tự của cuộc biểu tình, tuy nhiên đại diện của cảnh sát cũng có thể hiện diện trong hoạt động này, thậm chí, cảnh sát có bổn phận rõ ràng là đảm bảo quyền tự do hội họp trong hòa bình của công dân; do vậy, thông thường, bạn có thể yêu cầu cảnh sát tham gia giữ trật tự và đề phòng những phần tử kích động, khiêu khích trong đám đông.

Đoàn biểu tình có thể đi lại khá thoải mái với chút hạn chế nhỏ; theo luật định, cảnh sát có thể chặn một số nơi, không cho người và các phương tiện giao thông ra vào. Đây là nơi “không phận sự miễn vào”, cảnh sát có quyền khuyên nhủ, hoặc dùng chút vũ lực để “tống khứ” ai lạc vào đó dù họ vô phận sự...

MỘT SỐ HẠN CHẾ

Theo Đạo luật Hội họp, cảnh sát có quyền cấm bất cứ một cuộc tụ tập nào nếu thấy nó có thể ảnh hưởng trầm trọng đến hoạt động của các cơ quan lập pháp và tư pháp, hoặc nếu không thể bảo đảm được giao thông ở khu vực đó theo tuyến đường khác. (Viện cớ này, trong thực tế, chính quyền đã cản trở không ít hoạt động tụ họp). Do đó, nếu bạn muốn biểu tình, tốt nhất nên tìm nơi thoáng đãng.

Không được mang súng ống, thuốc nổ - hoặc bất cứ loại vũ khí có thể gây sát thương nào khác - đến các cuộc biểu tình. Bình thường, đây cũng là điều mà một công dân tuân thủ luật pháp không làm: nếu bị cảnh sát bắt gặp, bạn có thể vào... nhà đá như bỡn!

Việc sử dụng những biểu tượng độc tài toàn trị (thập ngoặc, huy hiệu SS, búa liềm, sao đỏ...) ở nơi công cộng là phạm tội hình sự, cho dù sự nguy hiểm đến xã hội của hành động đó trong các cuộc biểu tình nhìn chung là không đáng kể. Cảnh sát cũng không mấy khi “sách nhiễu” bạn vì điều đó: cùng lắm, qua các phương tiện truyền thông, cảnh sát thường chỉ đề nghị rằng bạn nên khuyên đoàn biểu tình tránh sử dụng các biểu tượng kể trên. (*)

CẦN PHẢI CHUẨN BỊ NHỮNG GÌ?

Nếu giấy phép tụ tập, hội họp đã hết hạn, trên nguyên tắc, không còn cách nào khác là bạn và đoàn biểu tình phải rời hiện trường vào thời điểm kết thúc biểu tình, như đã thông báo. Tuy nhiên, trong thực tế, nếu bạn ngồi rốn lại trên thảm cỏ, cùng Ban tổ chức và những “biểu tình viên” nhiệt thành nhất để “rút kinh nghiệm” cho lần biểu tình gần nhất, sẽ không ai làm gì bạn.

Nhưng bạn cũng cần biết rằng cảnh sát có thể giải tán và - đặt những lợi ích của các công dân hòa bình lên trước - họ sẽ giải tán mọi cuộc hội họp mang tính chất kích động gây những hành vi phạm pháp, hoặc tại đó diễn ra hành vi phạm pháp (ví dụ, nếu ai đó mang vũ khí sát thương đi biểu tình).

Một cuộc biểu tình cũng có thể bị giải tán, nếu nó diễn ra không đúng thời điểm, địa điểm, lộ trình, mục đích và chương trình như đã thông báo. Còn nếu, cho dù cảnh sát đã cấm mà bạn vẫn tổ chức, hẳn nhiên cuộc biểu tình của bạn sẽ bị giải tán.

Cố nhiên, giải tán cũng có những nguyên tắc của nó. Người chỉ huy cảnh sát, tối thiểu, phải nói to (bằng loa hoặc các phương tiện tăng âm phù hợp khác) đề nghị mọi người rời hiện trường. Đồng thời, ông ta cũng sẽ cho biết, cần “rút” theo đường nào cho “hợp nhẽ”.

CÓ THỂ NÉM GÌ?

Có trường hợp cảnh sát bắt người biểu tình khi vị này ném vỏ bia, vì họ tưởng đó là lưu đạn. Luật định nói rõ: nếu cảnh sát bị tấn công từ đoàn biểu tình, ngay lập tức, cảnh sát có quyền giải tán cuộc hội họp. Lúc đó, sự cảnh cáo… đi kèm với việc giải tán!

Tuy nhiên, bạn có thể hỏi: cảnh sát thì được vũ trang đến… tận răng như thế, họ có thể dùng áo giáp, dùi cui các loại, rồi bình xịt ga (đạn cao su đã bị cấm từ ngày 1-1-2008), roi điện, chó, lựu đạn gây chớp sáng…, có thể đi xe hơi, xe máy, cưỡi ngựa… và ít nhất, có thể dùng tay không để đối phó với bạn. Vậy bạn có thể dùng... vũ khí gì trong các cuộc biểu tình?

Năm 2006, vũ khí được ưa chuộng của dân biểu tình chống chính phủ là… đá cậy từ lòng đường. Khi diễn giải luật định - chẳng hạn tại tòa án -, loại “vũ khí” này được coi là mang tính sát thương. Và còn nhiều loại vũ khí khác, tùy bạn cân nhắc, vì loại nào cũng có nguy cơ bị coi là sát thương!

Tháng 3-2008, thị trưởng Budapest và nhiều chính khách đã phải chịu những cơn mưa trứng, trong khi cảnh sát dường như “án binh bất động”. Luật định Hungary vào thời đó cho rằng, ném trứng hay cà chua là sự thể hiện ý kiến tự do của mỗi cá nhân, cho dù nó mang tính “bạo động”. (Từ tháng 2/2009, điều này đã bị cấm bởi Đạo luật Hình sự sửa đổi).

VÔ TỘI CŨNG PHẢI ĐỀ PHÒNG

Khi giải tán đám đông, cảnh sát không có bổn phận “ngâm cứu” trách nhiệm của từng cá nhân có mặt trong đoàn biểu tình, vì vậy, tốt nhất là chúng ta hãy tuân thủ sự chỉ đạo của người thừa hành công vụ. Ngay cả khi bạn đang muốn về nhà, mà lại bị hướng theo hướng khác, dù bực mình, bạn cũng nên rời hiện trường và tìm cách khác để về với người thân.

Trong các cuộc biểu tình, cảnh sát dùng hệ thống camera để theo dõi và thu thập các bằng cứ, và họ sẽ giữ những thước phim này trong vòng 6 tháng. Mỗi cảnh sát đều phải mang số hiệu trên người (ngực áo, tay và mũ). Nếu họ làm trái pháp luật, bạn hãy nhớ lấy số hiệu này và có thể khiếu nại trong vòng 8 ngày, trực tiếp, qua điện thoại hay điện thư. Cũng có thể tòa án sẽ xử thắng cho bạn, dù điều này không thật thường xuyên…

(*) Mạng index.hu cũng bình luận thêm rằng việc đeo hay trưng những biểu tượng ấy, theo họ, chả hay ho, béo bở hoặc lợi lộc gì; tuy nhiên, đó là “sở thích cá nhân” của mỗi người.

Biểu tình dai dẳng trên đường phố Budapest mùa thu 2006, sau khi bài phát biểu của Thủ tướng Gyurcsány Ferenc (thừa nhận giới chính khách nước này đã dối dân thường xuyên và liên tục trong vòng hơn 15 năm) bị rò rỉ - Ảnh: index.hu
 
Các vệ sĩ phải giương ô để che chắn cho Thị trưởng Budapest Demszsky Gábor trước cơn mưa trứng (và đá) của một nhóm biểu tình trong ngày Quốc lễ 15/3/2008 - Ảnh: Hajdú D. 
András (origo.hu)

Bài Đăng lại từ Facebook Nguyen Hoang Linh

0 comments cho " Biểu tình ở Hungary: KHÔNG GÌ DỄ HƠN! "

Cho Ý Kiến Của Bạn

Newer Post Older Post
^Xem Lại Trên