Tổng thống Obama tái đắc cử
Tổng thống Obama tái đắc cử
Nguyễn Khanh, RFA
2012-11-07
Sau hơn 1 năm trời tranh cử đầy sôi nổi, cuộc bầu chọn Tổng Thống Hoa Kỳ đã thật sự kết thúc khoảng 10 giờ đồng hồ trước đây, với kết quả đương kim tổng thống Dân Chủ Barack Obama được cử tri tín nhiệm để tiếp tục lãnh đạo quốc gia thêm 4 năm nữa.
Thanh Quang của Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do chúng tôi có cuộc trao đổi ngắn với anh Nguyễn Khanh về kết quả cuộc bầu cử lần này.
Những yếu tố đưa ông Obama đến thành công
Thanh Quang: chào bạn Nguyễn Khanh. Muốn hỏi nhận xét của anh về kết quả cuộc bầu chọn tổng thống Hoa Kỳ năm nay, anh có ngạc nhiên không?
Nguyễn Khanh: câu trả lời của tôi là có và không. Ngạc nhiên vì không thể ngờ ông Obama thành công dễ dàng đến như thế, nhất là mãi đến giờ cuối cùng mọi người vẫn bảo với nhau là chưa thể biết ai hơn, ai thua, trong cuộc bầu cử được coi là sôi nổi nhất nhì trong chính trường của Hoa Kỳ.
Tôi không ngạc nhiên khi thấy kết quả kiểm phiếu ở những bang được coi là quyết định ghế tổng thống năm nay, hầu hết đều nghiêng về phía ông Obama của đảng Dân Chủ, và ngay lúc đó, dù kết quả chính thức chưa công bố nhưng tất cả mọi người đều hiểu với nhau là mọi chuyện đã an bài. Ai cũng hiểu ông Romney bắt buộc phải thắng ở Ohio, Iowa, Virginia, Wisconsin, Pennsylvania v.v..., nên khi cử tri những bang này quyết định tiếp tục ủng hộ vị tổng thống Dân Chủ đương nhiệm, điều đó có nghĩa là cánh cửa Nhà Trắng đã khép lại với ông Romney của đảng Cộng Hòa.
Tôi cũng không ngạc nhiên khi thấy ông Obama thành công ở những bang này. Lý do là vì ông Obama đã bỏ ra 5 năm trời để xây dựng một hệ thống vận động tranh cử thật quy mô tại những nơi đó, quy mô hơn những gì ông Romney và đảng Cộng Hòa dựng được, và kết quả ông thành công.
Thanh Quang: ngoài yếu tố đó ra, anh còn thấy có những yếu tố nào đưa ông Obama đến chiến thắng ở cuộc bầu cử lần này?
Chúng ta thấy ngay sức mạnh của giới trẻ trong sinh hoạt của cả 2 đảng, nhưng nếu nhìn kỹ vào cuộc vận động của hai ông Obama và ông Romney, chúng ta thấy ngay một lực lượng hùng hậu mà ông Obama lôi kéo được từ khi ông mới bắt đầu xuất hiện ở chính trường cấp quốc gia
Nguyễn Khanh: 3 yếu tố quan trọng mà tôi chú ý tới là lá phiếu của phụ nữ, thành phần cử tri trẻ và lá phiếu của cử tri da mầu. Mặc dù tới 48% cử tri toàn nước Mỹ nói kinh tế là điều họ quan tâm nhất, nhưng đa số phụ nữ Hoa Kỳ vẫn ủng hộ ông Obama, điển hình là tại bang Ohio. Tại sao? Tôi nghĩ các quan sát viên bầu cử Mỹ sẽ có hàng chục, hàng trăm câu trả lời, riêng tôi thì tôi chỉ nghĩ đơn giản như thế này: phụ nữ ở nước nào cũng là người phải đối diện với kinh tế gia đình hàng ngày, họ biết thành quả ông Obama đã làm được quả có chậm, nhưng họ không biết lời hứa hẹn sẽ làm nhanh hơn, hay hơn mà ông Romney đưa ra có được thực hiện đúng hay không. Kết quả: họ nắm lấy cái đang có, và họ bỏ phiếu tái tín nhiệm ông Obama.
Yếu tố thứ nhì là sự xuất hiện của giới trẻ. Nếu dự đại hội đảng Cộng Hòa và đảng Dân Chủ, chúng ta thấy ngay sức mạnh của giới trẻ trong sinh hoạt của cả 2 đảng, nhưng nếu nhìn kỹ vào cuộc vận động của hai ông Obama và ông Romney, chúng ta thấy ngay một lực lượng hùng hậu mà ông Obama lôi kéo được
từ khi ông mới bắt đầu xuất hiện ở chính trường cấp quốc gia. Tôi cũng phải nói rõ là theo những cuộc thăm dò thì số người trẻ ủng hộ ông Obama không nhiều như 4 năm trước đây, nhưng vẫn là con số phải chú ý tới, vẫn là con số thật đáng kể.
Điều thứ ba là lá phiếu của tập thể thiểu số. Người da đen bỏ phiếu cho ông Obama là chuyện không ai ngạc nhiên, nhưng muốn chiến thắng ở bình diện bầu cử quốc gia, đừng quên lá phiếu của những tập thể cử tri thiểu số khác, nhất là tập thể Latino, Hispanic. Tập thể này ủng hộ ông Obama ở nhiệm kỳ trước, họ không bỏ ông Obama ở cuộc đua lần này. Tôi tin rằng để có thể thành công trong các cuộc tranh cử tổng thống sắp tới, đảng Cộng Hòa phải có sách lược hay hơn, để thu hút lá phiếu của phụ nữ, lôi cuốn được thành phần cử tri giới trẻ, và lá phiếu các cộng đồng thiểu số. Nói như lối nói của người Việt là “năng nhặt chặt bị”. Đó là thực tế, và điều đó được chứng minh bằng lá phiếu, bằng tổng số phiếu các tập thể tôi vừa nói tới.
Những bất lợi của ông Romney
Thanh Quang: anh nghĩ gì về cuộc vận động tranh cử của ông Romney?
Nguyễn Khanh: nếu so với cuộc vận động Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa John McCain đã làm cách đây 4 năm thì ông Romney vận động hay hơn nhiều, nhưng bên cạnh đó cũng có một vài chỗ khiến ông bị bất lợi ngày từ những ngày đầu tiên, tức là từ mùa hè năm ngoái khi ông loan báo sẽ tranh cử tổng thống.
Bất lợi thứ nhất đến từ ngay trong đảng Cộng Hòa ở vòng sơ bộ. Tất cả các chính trị gia của đảng, ý tôi muốn nói là những người nuôi mộng là tổng thống như ông Romney, đã đổ xô vào tấn công ông ta, khiến ông Romney mất sức lực để chống đỡ. Tôi còn nhớ lúc đó họ “đánh” ông Romney nặng tới mức ông McCain phải lên tiếng than, bảo rằng đối thủ là ông Obama của đảng Dân Chủ chứ không phải gà cùng một mẹ cứ đấu đá với nhau, cứ lôi từng sơ hở của nhau ra để khai thác. Nếu tôi nhớ không lầm thì Cựu Đệ Nhật Phu Nhân Barbara Bush cũng lên tiếng, nói rằng bà thấy xấu hổ, thấy ngượng khi nhìn thấy các ông bà Cộng Hòa cấu xé nhau.
...Bị tổn thương ở vòng sơ bộ, nhưng đến khi được đảng đề cử thì thành phần bảo thủ của đảng vẫn không ủng hộ ông, nhóm Tea Party vẫn thắc mắc, đại để cho rằng không biết ông Romney có phải là ứng viên mà họ trông đợi hay không...
Ông Romney đã mất sức, bị tổn thương ở vòng sơ bộ, nhưng đến khi được đảng đề cử thì thành phần bảo thủ của đảng vẫn không ủng hộ ông, nhóm Tea Party vẫn thắc mắc, đại để cho rằng không biết ông Romney có phải là ứng viên mà họ trông đợi hay không. Mãi đến khi ông Romney thông báo chọn ông Paul Ryan đứng chung liên danh, lúc đó, không phải là giới bảo thủ Cộng Hòa mới thở phào nhẹ nhõm, mà phải nói cho đúng là họ mới hài lòng.
Điểm bất lợi thứ 3 là ông Romney không có sự lôi cuốn cử tri như ông Obama. Cử tri Hoa Kỳ thấy ông Romney có vẻ xa vời với họ, không gần gũi như ông Obama, có một số người còn bảo với tôi là họ không hiểu ông Romney có biết những điều cử tri Mỹ đang quan tâm hay không, có biết nỗi lo âu mà cử tri Mỹ phải trực diện hàng ngày hay không. Tôi còn nhớ một cử tri ở New York bảo ông Romney là ông nhà giầu, thành công mà họ với không tới, còn ông Obama bình dân hơn, dễ hòa mình với người dân hơn. Có lẽ biết điều này và cũng chính vì điều này nên ông Romney luôn luôn nhắc nhở cho mọi người biết ông ra tranh cử để phục vụ mọi người, chứ không chỉ phục vụ một thành phần nào đó.
Thanh Quang: ông Romney đã chấp nhận thua cuộc, vai trò của ông ta trong chính trường Hoa Kỳ và trong những ngày tới sẽ như thế nào?
Nguyễn Khanh: hôm qua ông Obama có nói là sẽ gặp ông Romney để thảo luận với nhau để làm sao phục vụ dân chúng tốt hơn, để có được một chính sách hay hơn. Tôi tin rằng cuộc gặp đó sẽ diễn ra ở Nhà Trắng, và đó là lần cuối cùng ông xuất hiện trong chính trường.
Thanh Quang: anh không nghĩ ông Romney sẽ tái tranh cử?
Nguyễn Khanh: câu trả lời là không. Ông đã tranh cử năm 2008 nhưng không được đảng đề cử, ông đã tranh cử năm 2012 nhưng không thành công, năm nay ông 65 tuổi, tôi không nhìn thấy chuyện ông ra tranh cử một lần nữa.
Thanh Quang: có khi nào ông Obama mời ông Romney tham gia chính phủ không?
Nguyễn Khanh: chính trị thì không thể biết được, nên rất khó trả lời, nhưng theo tôi thì không. Đã từng có lần tôi tự nghĩ là nếu ở lại Nhà Trắng, biết đâu ông Obama mời ông Romney giữ một vai trò nào đó, chẳng hạn như Cố Vấn Ủy Ban Kinh Tế Quốc Gia, hay nắm bộ tài chánh, thay thế cho ông Tim Geithner mà tôi nghe nói sẽ từ chức không ở lại làm việc tiếp. Nghĩ như thế nhưng tôi không tin điều đó sẽ xảy ra.
Thanh Quang: liệu có là quá sớm nếu hỏi anh về chuyện bầu cử 2016 hay không?
Nguyễn Khanh: tôi không nghĩ là quá sớm đâu. Phải nói cho đúng là từ sáng hôm nay, những ai nghĩ đến chuyện ra tranh cử tổng thống năm 2016 sẽ bắt tay vào việc.
Thanh Quang: theo anh, những người đó là ai?
Nguyễn Khanh: bên Dân Chủ, có thể Phó Tổng Thống Joseph Biden. Ông Biden đến giờ chưa nói có mà cũng chẳng nói không, nhưng chừng 2 tháng trước đây tôi nghe tin hành lang Nhà Trắng cho biết một nhóm bạn thân của ông Biden đã tính đến chuyện thúc đẩy ông ra tranh cử. Ngoài ra, đừng quên bà Hillary Clinton.
Thanh Quang: còn bên đảng Cộng Hòa?
Nguyễn Khanh: ít nhất tôi nhìn thấy 3 người. Ông Paul Ryan là một, ông Thống Đốc Chris Christie của bang New Jersey là hai, và người thứ ba là Thượng Nghị Sĩ Marco Rubio của bang Florida. Hiện giờ cả 3 ông đều là nhưng ngôi sao sáng của đảng Cộng Hòa.
Thanh Quang: cám ơn anh Nguyễn Khanh. Hẹn gặp anh trong chương trình phát thanh sáng mai để nói chuyện về những việc ông Obama phải làm trong 4 năm sắp tới.
Nguyễn Khanh:cám ơn anh Thanh Quang.
Nguồn:http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/obama-2nd-term-11072012080754.html