Điểm Tin Cập Nhật

Cánh Cò - Những vết thương không chịu lành





        Cánh Cò - Những vết thương không chịu lành

    Nhiều đời bộ trưởng có lẽ hai ông Nguyễn Thiện Nhân và Đinh La Thăng là tốn giấy mực của báo chí lề phải lẫn lề dân nhiều hơn ai hết. Nếu những chính sách của ông Đinh La Thăng tấn công thẳng vào từng túi tiền của người dân thì các phát biểu của ông Nguyễn Thiện Nhân lại đầy ắp sự tô vẽ nhưng không có khả năng làm tê liệt thần kinh của những thành phần dân chúng vốn tin vào những lời mê tín đã phát trên các phương tiện truyền thông về cuộc cách mạng đầy hứa hẹn trong thời kỳ chiến tranh.

Phó Thủ Tướng Nguyễn Thiện Nhân

Ông Nguyễn Thiện Nhân tốt nghiệp Tiến sĩ "điều khiển học" tại Đức và sau đó sang Hoa Kỳ một thời gian ngắn qua lời mời dưới hình thức Fellowship của Harvard. Bằng cấp và cái "mác" Harvard ấy trong thời kỳ đầu đã tô điểm thêm trên lý lịch của ông một ít hào nhoáng nhưng không lâu sau đó những phát biểu "chậm phát triển" đã kéo ông tụt hạng ngang với một anh bộ trưởng tầm thường khác. Mọi kỳ vọng mà người ta đặt vào ông tan nhanh như cơn mưa rào, chưa thấm được vào mặt đất đã khô ngay trước khi con người cảm nhận được sự mát lạnh của nó.

Vài tuần sau khi nhậm chức, Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đưa ra đề án lớn: đến năm 2020 Việt Nam sẽ đào tạo 20 ngàn tiến sĩ, và cũng trong năm đó tất cả các nhân viên chiếm vị trí cao trong toàn bộ thành phố Hà Nội cũng đều phải có bằng Tiến sĩ.

Khỏi nói thì ai cũng biết cái đề án hoành tráng không tưởng này đã chịu búa rìu dư luận như thế nào.

Vậy mà ông vẫn lên như diều. Từ chức vụ Bộ trưởng ông bay thẳng vào chiếc ghế Phó Thủ tướng chính phủ.

Một dạo khá lâu người dân đỡ phải nghe những lời ông ba hoa trong lĩnh vực giáo dục, thì đùng cái, ông xuất hiện với cá tính thích tuyên bố trong một vài sự kiện được báo chí theo dõi và tường thuật lại một cách chi tiết.

Ngày 14 tháng 11, ông... lang thang vào Quốc hội và được Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng mào đầu cho được lên phát biểu. Ai cũng hy vọng ông sẽ có một cao kiến gì đấy để đóng góp với nghị trường nhưng khi ông cất tiếng thì cả hội trường bỗng ngập ngụa mùi...gà qué, mà lại là gà nhập lậu từ Trung Quốc!

Ông nói về sự nguy hiểm của vấn đề gà lậu không những thất thu thuế mà còn làm cho gà trong nước không thể phát triển, gà bệnh sẽ làm dịch lây lan và cuối cùng ông "khuyên" các Đại biểu Quốc hội hãy làm gương không ăn gà nhập lậu, còn nếu bị buộc phải ăn thì hãy hỏi nhà hàng nguồn gốc con gà ở đâu trước khi ăn.

Nếu không biết cá tính của ông người đọc báo có thể nghĩ bài báo đang xuyên tạc vì giữa chốn tôn nghiêm, bàn bạc điều đại sự mà ông Phó thủ tướng lại đem một vấn đề nhỏ nhặt như vậy để hùng hồn khuyên các đại biểu thì khó ai nín cười được.

Và nhất là lời khuyên rất trẻ con, ngọng nghịu và ba hoa của một anh lúc nào cũng cuống cuồng muốn phát biểu.

Cũng trong ngày đó, từ nghị trường Quốc hội ông Nguyễn Thiện Nhân nhanh chân chạy đến Bộ Giáo Dục và Đào tạo để tham dự lễ kỷ niệm 30 năm ngày Nhà giáo Việt Nam và lễ trao danh hiệu Nhà giáo nhân dân và Nhà giáo ưu tú năm 2012.

Theo báo chí loan tải năm nay có 40 Nhà giáo nhân dân và 570 Nhà giáo ưu tú trên khắp mọi miền đất nước được trao tặng danh hiệu cao quý này, trong đó có một "suất" cho Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân!

Dư luận gầm gừ, báo chí tiếp tục bình luận và người dân vẫn cắm cúi với lon gạo của mình. Người ta không khỏi chạnh nghĩ đến cái danh hiệu Nhà giáo ưu tú có làm ông Phó Thủ tướng xấu hổ hay không khi chung quanh ông, những người thật sự ưu tú lại không được cái vinh dự này. Còn ông, nếu có một giải thưởng thích hợp nhất thì chỉ nên cho ông nhận giải "Nhà giáo ưu tiên" là cùng.

Bởi làm tới chức Phó Thủ tướng mà lại xếp hàng đặt cục gạch trước cái danh hiệu "ưu tú" với những nhà giáo khốn khổ, bệnh hoạn hy sinh cả đời trong sự nghiệp giáo dục và cuối đời cần một danh hiệu dù là "đỏm đáng là chính" để kiếm thêm thu nhập thì sự giành giật ấy phải nói là bản năng của một đứa con nít chưa biết phân biệt thế nào là điều cần nên tránh và nhất là em chưa học được bài học nhường nhịn cho đứa trẻ khác không có cơ hội bằng mình.

Một tuần trước khi nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú ông Nguyễn Thiện Nhân đã tranh thủ đọc một bài diễn văn trong buổi gặp mặt 128 nữ giáo viên đang công tác tại biên giới, hải đảo, vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Tại đây ông chia sẻ với những cô giáo này là "Mỗi khi thầy cô có gặp khó khăn thì hãy nghĩ đến thời gian chống ngoại xâm của ông cha ta!"

Câu nói này được ông Nhân lập đi lập lại nhiều lần ở nhiều hoàn cảnh khác nhau từ khi nhậm chức Bộ trưởng Giáo dục. Mới đây nhất tại trường Đoàn Thị Điểm ông kể lại cho học sinh trong thời chiến tranh chống Mỹ ông đã phải vật vã khi mất chiếc bình mực, còn bây giờ các em không lo điều tầm thường ấy nữa. Ý ông muốn nói các em bây giờ hạnh phúc hơn thời của ông nhiều lần nên đừng kêu ca than van gì mà phải cố gắng học hành.

Hai nội hàm là một.

Bộ Trưởng GTVT  Đinh La Thăng
Phó Thủ tướng có thể ngấm ngầm tự hào là mình đã học hành khó khăn như thế nào đối với gia đình để có địa vị ngày nay hầu làm tấm gương soi cho con cháu của ông. Tuy nhiên ông không thể tự hào giữa chốn công cộng để ngăn cản ý muốn của trẻ con đòi hỏi cho được sự đối đãi đàng hoàng của hệ thống giáo dục khi em là công dân của một đất nước đã vươn lên từ mầm sống của máu xương cha ông trong rất nhiều cuộc chiến để có được tự do độc lập như ngày nay.

Lấy hình ảnh lọ mực trong thời chiến để tô vẽ cho sự hy sinh không có thực của chính ông là việc làm rất khó coi.

Cũng vậy, khi ông kêu gọi các cô giáo khốn khổ kia lúc gặp khó khăn hãy nghĩ đến sự hy sinh trong chiến tranh của ông cha để mà vượt qua thì sự thiếu lương thiện của ông nhân lên rất nhiều lần.

Nước Việt Nam hôm nay không còn chiến tranh nữa do các cuộc chiến chống ngoại xâm đã được không biết bao nhiêu người hy sinh để người sau thừa hưởng thành quả. Thành quả này phải được chia đều cho mọi người và không ai có thể bị buộc phải tiếp tục hy sinh một lần nữa trong thời bình với khẩu hiệu như ông tuyên bố như báo Giáo Dục Việt Nam đã loan tải: "Mỗi khi thầy cô có gặp khó khăn thì hãy nghĩ đến thời gian chống ngoại xâm của ông cha ta!"

Xin hãy thôi đi sự thúc giục vô liêm sỉ này vì chúng tôi, những nhà giáo chân chính đã và đang bị bóc lột tàn tệ do chính những nơi sáng tạo ra các khẩu hiệu vang vang này. Không có sự hy sinh nào vô hạn cả, nó phải được bù đắp ngang với công sức bỏ ra. Thời đại toàn cầu hóa nhưng ông Phó Thủ tướng vẫn ngây thơ đọc khẩu hiệu của những năm đầu sau giải phóng. Lúc đó các ông nói thì chúng tôi tin vì khó khăn hậu chiến là rõ rệt. Còn bây giờ, nhà các ông ở, xe các ông đi, giày các ông mang, vét tông các ông mặc không thuyết phục được chúng tôi hy sinh thêm nữa dù chỉ một ngày.

Nếu ông thật sự tin rằng hình nhân mang tên "kháng chiến chống ngoại xâm" của ông còn có tác dụng làm cho người dân an thần và tin theo thì ông lầm to. Điều họ tin bây giờ là nếu không tự trang bị cho mình những thứ cần thiết trong đời sống mà còn cả tin vào những khẩu hiệu của nhà nước thì vẫn còn những Nguyễn Thiện Nhân khác xuất hiện dài dài.

Chẳng qua họ không có phương tiện để tuyên bố niềm tin lẫn uẩn ức của họ mà thôi. Đừng giữ mãi micro hãy chuyển cho người khác đi, ông Phó Thủ tướng.

Nguồn: Diễn Đàn Thế Kỷ

0 comments cho " Cánh Cò - Những vết thương không chịu lành "

Cho Ý Kiến Của Bạn

Newer Post Older Post
^Xem Lại Trên