Bức xúc với đơn vị quản lý, hàng trăm tiểu thương đã đình công, giăng biểu ngữ bao vây chợ gốm Bát Tràng.
Bức xúc với đơn vị quản lý, hàng trăm tiểu thương đã đình công, giăng biểu ngữ bao vây chợ gốm Bát Tràng.
Sự việc bắt đầu xảy ra từ sáng sớm nay, hàng trăm tiểu thương buôn bán trong chợ Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội đã cùng nhau đình công, ngừng kinh doanh để “bao vây” chợ, phản đối đơn vị quản lý là Công ty Cổ phần Sứ Bát Tràng (Hapro Bát Tràng).
Theo quan sát, tiểu thương đứng dàn hàng kín cổng chợ, cầm những biểu ngữ, khẩu hiệu được viết trên tấm bìa cattong với những nội dung như: “Đả đảo Hapro khủng bố chợ Gốm”, “Bà con chợ Gốm khẩn thiết kêu cứu”, “Thương hiệu chợ Gốm là của nhân dân làng Bát Tràng… Trong khi đó, các gian hàng được phủ bạt đen, phía trong chợ không một bóng du khách.
Hai bên cổng chợ, tiểu thương cho dán những thông báo về việc ngừng kinh doanh tới các du khách và cho người giải thích về nguyên nhân tạm ngừng kinh doanh.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân dẫn đến cuộc đình công, bao vây tập thể chợ Bát Tràng của hàng trăm tiểu thương là do bức xúc trước cách hành xử của đơn vị quản lý Hapro Bát Tràng về việc mua bán các ki ốt trong chợ.
Bà Phùng Thị Phin, một tiểu thương buôn bán lâu năm tại chợ Bát Tràng trao đổi với PV. |
Bà Phùng Thị Phin, một tiểu thương buôn bán lâu năm tại chợ Bát Tràng cho biết, người dân và Hapro Bát Tràng cùng hợp tác xây chợ từ năm 2004, trong đó số tiền xây dựng chợ được đóng góp từ người dân làng Bát Tràng, còn phía Hapro Bát Tràng chỉ có mặt bằng.
Sau khi xây dựng xong, người dân ra kinh doanh dưới dạng hợp đồng thuê ki ốt. Ban đầu các ki ốt đều khá đơn giản nhưng trong quá trình buôn bán, các tiểu thương đã gia cố, xây dựng thêm nhiều hạng mục khác như tường, bờ bao…
Năm 2010, hợp đồng thuê ki ốt thời hạn 5 năm kết thúc nhưng đến nay, các tiểu thương và đơn vị quản lý vẫn chưa ký kết đươc hợp đồng mới do những bất đồng xoay quanh các điều khoản ký kết.
“Khi xây chợ, chỉ người dân làng Bát Tràng mới được ưu tiên góp vốn và lúc xây xong, kí hợp đồng thuê ki ốt, chúng tôi kí với Hợp tác xã gốm sứ Bát Tràng do các hộ kinh doanh bầu ra nhưng đến nay, phía Hapro lại yêu cầu các hộ phải ký trực tiếp với công ty với giá cao hơn nhiều so với trước. Chưa thống nhất được, họ lại đòi đuổi chúng tôi đi”, bà Phin bức xúc nói.
Cao trào của những bất đồng giữa đơn vị quản lý và các tiểu thương kinh doanh trong chợ được đẩy lên khi một số hộ nhận được thông báo từ Công ty Cổ phần Đồng Tiến Thành (trụ sở tại quận Ba Đình, Hà Nội) về việc Công ty Đồng Tiến Thành đã ký hợp đồng thuê 5 ki-ốt mà các hộ này đang kinh doanh và yêu cầu các hộ phải rời đi trong ngày 5/11.
“Chúng tôi bỏ tiền ra xây chợ nhưng họ lại trắng trợn đuổi chúng tôi đi cho đơn vị bên ngoài thuê. Không những thế họ còn tìm cách đe dọa, khủng bố tinh thần người dân”, Ông Nguyễn Mạnh Hưng, Phó ban quản lý chợ, một trong số các hộ dân bị buộc rời đi trong ngày 5/11 cho hay.
Cho đến chiều nay, cuộc “quây” chợ tập thể của các hộ dân vẫn chưa kết thúc. Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.
Một số hình ảnh về buổi "bao vây" chợ Bát Tràng hôm nay:
Các tiểu thương dàn hàng cầm khẩu ngữ đứng kín cổng chợ |
Khẩu hiệu phản đối đơn vị quản lý được viết lên những tấm bìa cattong |
Băng rôn phản đối cũng được giăng khắp chợ |
Toàn bộ tiểu thương trong chợ đình công khiến chợ Bát Tràng sáng nay vắng hoe |
Biểu ngữ còn treo ngay phía trước nơi làm việc của đơn vị quản lý |
Tiểu thương cho biết quyết đình công cho đến khi nào đơn vị quản lý chợ giải quyết được những bức xung xoay quanh việc cho thuê ki ốt. |
Nguyên Đan (tin, ảnh)