TÓM LƯỢC BẦU CỬ Ở MỸ
TÓM LƯỢC BẦU CỬ
Ở MỸ
Ấn phẩm của Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tháng 1/2008
Các cuộc bầu cử ở Mỹ
Ở Mỹ,
các cuộc bầu cử chọn người nắm giữ một số vị trí trong chính quyền liên
bang và hầu hết các vị trí trong chính quyền bang và địa phương diễn ra
vào các năm chẵn. Một số bang và địa phương tổ chức bầu cử vào các năm
lẻ.
Do vậy, cứ bốn năm một lần, người Mỹ lại đi bầu tổng thống và
phó tổng thống. Cứ hai năm một lần, người Mỹ đi bầu lại tất cả 435
thành viên Hạ viện và khoảng 1/3 trong số 100 thành viên của Thượng
viện. Nhiệm kỳ của các thượng nghị sĩ kéo dài 6 năm.
Hệ thống
chính quyền liên bang Mỹ rất phức tạp. Chính quyền trung ương là trung
tâm, nhưng các chính quyền bang và địa phương cũng có thẩm quyền đối với
những vấn đề không thuộc về trách nhiệm của chính phủ liên bang. Trong
phạm vi thẩm quyền của mình, các chính quyền bang và địa phương khá độc
lập về cách thức tổ chức bầu cử. Tuy nhiên, các cuộc bầu cử do họ tổ
chức rất thường xuyên, có tính chất quyết định và được điều hành hiệu
quả.
Các hình thức bầu cử ở Mỹ
Có hai hình thức bầu
cử cơ bản: bầu cử sơ bộ và tổng tuyển cử. Các cuộc bầu cử sơ bộ được tổ
chức trước khi diễn ra tổng tuyển cử để quyết định ứng cử viên của đảng
tham gia tổng tuyển cử. Các ứng cử viên giành chiến thắng trong cuộc
bầu cử sơ bộ tiếp tục đại diện cho đảng đó trong cuộc tổng tuyển cử (mặc
dù còn phải tiến hành một số bước nữa trước khi các đảng cho phép họ
tham gia).
Từ đầu thế kỷ XX, bầu cử sơ bộ là hình thức bầu cử chủ
yếu để chọn ra các ứng cử viên của đảng. Mặc dù vẫn có ngoại lệ, nhưng
thông thường người giành chiến thắng trong bầu cử sơ bộ sẽ là ứng cử
viên được đảng đó chỉ định tham gia tổng tuyển cử. ở một số bang, các
ứng cử viên được lựa chọn tại các đại hội chỉ định ứng cử viên của bang
hoặc địa phương, chứ không thông qua bầu cử sơ bộ. Việc chọn ứng cử viên
theo hình thức này có thể do truyền thống của các bang đó hoặc do lựa
chọn của các đảng.
Khi các cuộc bầu cử sơ bộ hoặc đại hội chỉ
định ứng cử viên kết thúc, tổng tuyển cử sẽ được tiến hành để quyết định
ai là người được bầu chọn nắm giữ chức vụ. Trong cuộc tổng tuyển cử,
dựa trên danh sách các ứng cử viên trên lá phiếu cử tri sẽ đưa ra quyết
định cuối cùng. Trên phiếu bầu phổ thông có thể có cả tên của các ứng cử
viên độc lập (những người không thuộc chính đảng nào). Để có tên trong
danh sách này, ứng cử viên độc lập trình lên một kiến nghị có đủ số
lượng chữ ký ủng hộ theo yêu cầu, chứ không theo phương thức bầu cử sơ
bộ truyền thống. Hơn thế nữa, ở một số bang, trên phiếu bầu có thể còn
chỗ để điền vào đó tên của các ứng cử viên không được các đảng chỉ định
và cũng không đủ điều kiện theo hình thức trình đơn kiến nghị. Những ứng
cử viên đó được coi là ứng cử viên tự chỉ định và đôi khi họ được bầu
lên để nắm giữ các chức vụ công.
ở Mỹ, bầu cử không chỉ liên quan
đến việc chọn người nắm giữ các chức vụ công. Thực vậy, ở một số bang
và địa phương, trên phiếu bầu có khi còn có các vấn đề liên quan đến
chính sách công để lấy ý kiến cử tri chấp thuận hoặc không chấp thuận.
Những vấn đề mà cơ quan lập pháp bang hoặc hội đồng địa phương đưa ra
lấy ý kiến cử tri - trưng cầu dân ý - và những vấn đề do người dân kiến
nghị trên phiếu bầu - đề xuất - thường liên quan đến các vấn đề trái
phiếu (chấp thuận việc vay tiền để đầu tư cho các dự án công cộng) và
những yêu cầu khác hoặc chỉ trích chính phủ. Trong những thập kỷ gần
đây, kiến nghị trên phiếu bầu có tác động lớn, đặc biệt đối với ngân
sách và chính sách của các bang, đáng chú ý nhất là tác động đối với hệ
thống giáo dục bang California.
Bên cạnh các cuộc bầu cử cấp liên
bang, bang và địa phương được tổ chức vào các năm chẵn, một số chính
quyền bang và địa phương còn tổ chức các cuộc bầu cử không theo thông lệ
vào các năm lẻ. Nhiều địa phương còn quy định tổ chức các cuộc bầu cử
đặc biệt, có thể được tổ chức bất cứ lúc nào vì một mục đích cụ thể,
chẳng hạn như bổ nhiệm vào một vị trí bất ngờ bị trống trong cơ quan.
Bầu cử tổng thống
Cứ
bốn năm một lần, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra vào ngày thứ ba đầu
tiên sau ngày thứ hai đầu tiên của tháng 11. Trước đó, các bang tổ chức
các cuộc bầu cử sơ bộ hoặc tiến hành họp kín để chọn ra các đại biểu đi
dự đại hội chỉ định ứng cử viên toàn quốc. Các cuộc bầu cử sơ bộ và họp
kín tại từng bang diễn ra từ tháng 1 đến tháng 6, sau đó là các đại hội
toàn quốc diễn ra vào các tháng 7, 8 và 9.
Từ những năm 1970,
ngay trước khi diễn ra đại hội đảng người ta đã biết ai là ứng cử viên
tổng thống - những người cuối cùng được các chính đảng chỉ định - vì họ
đã giành được sự ủng hộ của đa số đại biểu trước khi mùa bầu cử sơ bộ và
họp kín kết thúc. Do vậy, các đại hội đảng nhìn chung chỉ là các sự
kiện mang tính hình thức mà thôi. Điểm nhấn của các đại hội đảng gồm một
bài phát biểu dẫn đề của lãnh đạo đảng, công bố ứng cử viên phó tổng
thống của người được chỉ định, đoàn đại biểu các bang điểm phiếu cử tri,
và thông qua cương lĩnh chính trị của đảng (văn kiện khẳng định quan
điểm của đảng đó về các vấn đề).
Là một sự kiện chính trị được
phát trên truyền hình và là điểm khởi đầu của chiến dịch tổng tuyển cử,
nên đại hội đảng là cơ hội để quảng bá cho ứng cử viên của đảng và xác
định những điểm khác biệt với đối thủ.
Tỉ lệ cử tri đủ điều kiện
bỏ phiếu trong mỗi cuộc bầu cử là khác nhau, nhưng tổng số cử tri đi bầu
nhìn chung - kể cả trong các cuộc bầu cử tổng thống - đều thấp hơn so
với ở hầu hết các nền dân chủ khác. Từ năm 1960, số cử tri đi bầu nhìn
chung giảm từ 64% (năm 1960) xuống trên 50% (năm 1996), mặc dù con số
này lại tăng lên hơn 60% trong hai cuộc bầu cử gần đây nhất. Có một số
lý do khiến số cử tri đi bầu ở Mỹ tương đối thấp. Trái với một số nền
dân chủ khác, ở Mỹ một cử tri phải tự đăng ký để đủ điều kiện bỏ phiếu.
Quá trình đăng ký cử tri ở các bang tương đối khác nhau. Một lý do khác
là việc bỏ phiếu là tự nguyện, chứ không bắt buộc, điều này giống một số
nước. Do có rất nhiều cuộc bầu cử để chọn ra số người nắm giữ khoảng
hơn một triệu vị trí trên cả nước, nên có thể việc cử tri cảm thấy mệt
mỏi cũng dẫn đến số lượng đi bầu thấp.
Thống kê cho thấy số cử
tri đi bầu giảm khi công chúng thấy tình hình chính trị ổn định, hoặc
khi các cuộc thăm dò cho thấy một ứng cử viên chắc chắn sẽ thắng cử.
Ngược lại số cử tri đi bầu có thể tăng khi cuộc chạy đua giữa các ứng cử
viên rất sít sao hoặc trên phiếu bầu có những vấn đề gây tranh cãi.
Yêu cầu đối với ứng cử viên
Quy
định đối với từng vị trí được bầu lên ở cấp liên bang khác nhau, được
nêu rõ trong điều I và II của Hiến pháp Mỹ. Ví dụ, ứng cử viên tổng
thống phải là một công dân Mỹ, ít nhất 35 tuổi, và cư trú tại Mỹ ít nhất
là 14 năm. Phó tổng thống cũng phải đáp ứng những yêu cầu tương tự.
Theo Điều bổ sung sửa đổi thứ 12 của Hiến pháp Mỹ, phó tổng thống không
được là công dân của cùng một bang với tổng thống.
Các ứng cử
viên chạy đua vào Hạ viện ít nhất phải đủ 25 tuổi, là công dân Mỹ được
ít nhất 7 năm và là người cư trú hợp pháp tại bang mà họ muốn đại diện
tại Quốc hội. Các ứng cử viên vào Thượng viện ít nhất phải 30 tuổi, là
công dân Mỹ được ít nhất 9 năm và là người cư trú hợp pháp tại bang mà
họ muốn đại diện. Các ứng cử viên vào các chức vụ ở bang và địa phương
phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định của các bang và địa phương đó.
Điều
bổ sung sửa đổi thứ 22 của Hiến pháp Mỹ được phê chuẩn năm 1951 cấm
tổng thống Mỹ không được nắm quyền quá hai nhiệm kỳ. Tuy nhiên, Hiến
pháp không áp đặt thời hạn đối với hạ nghị sĩ và thượng nghị sĩ mặc dù
nhiều nhóm chính trị trong nhiều năm đã vận động để thông qua những quy
định về thời hạn đó. Thời hạn nhiệm kỳ đối với các quan chức bang và địa
phương, nếu có, được quy định trong các hiến pháp bang và nghị định của
địa phương.