Điểm Tin Cập Nhật

Bánh cay: Nghe tên thấy cay!




  Ở một số vùng miền, bánh cay có lẽ là một cái tên còn khá xa lạ, thế nhưng với nhiều người, nhất là dân Sài Gòn, bánh cay lại mang một nét đặc trưng, sự quyến rũ lạ kỳ.


Từ một cái tên

  Có lẽ chẳng tìm thấy món ăn nào mặn mà, da diết như bánh cay. Miếng bánh nho nhỏ, xinh xinh, vàng ruộm lấm tấm chấm đỏ li ti khi ăn tức thì giòn tan trong miệng, mùi thơm nồng làm người ăn bắt nghiện khi vị giác đã bắt đầu “nóng” lên bởi chất cay của ớt, của gia vị hòa tan trong từng miếng bánh.

  Bánh cay là một loại bánh dân dã, được chế biến bằng nguyên liệu đơn giản, dễ tìm là khoai mì và ớt, gia vị cũng là các loại rau thơm khác. Tuy nhiên, nhiều người chế biến bánh cay thiếu đi các loại rau thơm đi kèm, vì thế mà mùi vị khác hẳn so với mùi vị thông thường của nó. Hình dạng bánh cay cũng rất đơn giản, người bán chỉ cần nhón một miếng bột nho nhỏ bằng đầu ngón tay cái rồi khéo léo viên tròn lại hoặc nắn theo dạng hình thoi rồi cho vào chảo ngập dầu chiên vàng tới khi bánh ngả màu vàng ruộm thì được.

Cách làm bánh cay đơn giản như chính tên gọi của nó. Nguyên liệu chủ yếu để làm bánh cay là bột khoai mì. Đó là khoai mì (củ sắn, củ mì) tươi, sau khi bóc vỏ, rửa sạch ngâm nước có pha chút muối cho bớt chất xyanua, mủ nhựa rồi bào lấy bột mịn. Bột sau đó được trộn với một ít bột mì, bột nghệ, thêm chút gia vị cho mằn mặn rồi băm ớt đỏ trộn vào.

Ớt nhất thiết phải là ớt chín mới có thể lột tả được hết mùi vị và màu sắc của loại bánh này. Và dĩ nhiên không thể thiếu các loại rau thơm như húng quế, húng lủi, kinh giới, tía tô băm thật nhuyễn mịn rồi trộn chung với bột. Tuy nhiên, đã thưởng thức bánh này nhất thiết phải là người ăn được cay thì mới ngon, mới cảm hết được cái thú đậm đà của món ăn chơi nhưng chứa đựng nhiều điều lạ.

Lại nói về cách làm bánh. Bột sau khi được trộn kỹ, người làm bánh chỉ việc nhón ngay những miếng bột nho nhỏ bằng đầu ngón tay, vo tròn lại hay nắn theo hình thoi, hình bầu dục, có người còn khéo léo nắn thành hình các con vật ngộ nghĩnh, xinh xắn khác rồi đem chiên giòn. Một điểm thú vị khi chiên bánh đó là phải để bánh có đủ độ giòn người thợ không chỉ phải canh sao để bánh vàng, giòn mà còn phải vừa chín.



  Nếu bánh chưa chín khi ăn sẽ có mùi ngai ngái khó chịu của sắn tươi, để một lúc bánh sẽ mềm mùi sắn tỏa ra càng nhiều càng khó ăn. Còn nếu bánh được chiên vàng, chín đều khi ăn giòn tan trong miệng, có mùi thơm thơm, nồng nồng, vị ngọt ngào mà đậm đà của sắn, của gia vị đi kèm. Nhưng ấn tượng nhất là sau khi ăn, cái cảm giác cay xè của những người không quen với vị cay nhưng cũng đủ để hít hà đối với những người ưa cay.

Chẳng phải vì thế mà nó có cái tên nghe thật đơn giản nhưng cũng vô cùng ấn tượng “bánh cay” đó thôi.

Nếu nói bánh cay kén chọn người ăn thì quả thật nói oan cho nó. Ngoài những người có thể thỏa thuê thưởng thức món bánh cay, những người vốn không quen với vị ớt cũng có thể nhâm nhi rồi tha hồ hít hà. Không hẳn chỉ dành riêng cho chị em phụ nữ mà cánh mày râu cũng khoái khẩu không kém. Có lẽ vị mát lạnh của bia, vị cay nồng của rượu sẽ hòa quyện nồng nàn hơn, đằm thắm hơn khi trộn lẫn vị cay của bánh, tạo nên một sự kết hợp hết sức hoàn hảo.

Không hẳn thế, trong cái lạnh của mùa đông hay tiết trời se se, mát mẻ của cơn mưa đầu mùa thì một miếng bánh cay còn góp phần gắn bó hơn tình cảm mặn mồng, ấm cúng của từng gia đình. Đối với người dân Hàn Quốc, Thái Lan - xứ sở của những vị khách ưa chuộng vị cay nồng của ớt, thì lại phát hiện thêm một điều thú vị từ món ăn chơi dân dã mà thú vị này.


Đến mùi vị loại bánh

Nếu làm đúng theo nguyên tắc thì có lẽ cái tên bánh cay kén chọn người thưởng thức hơn. Thế nhưng, dưới bàn tay của người thợ nó được biến tấu phù hợp hơn để ai cũng có thể thưởng thức được món ăn mang nhiều cảm giác này. Đầu tiên là lạ với vị thơm thơm, giòn tan trong từng thớ lưỡi, tiếp theo là vị cay cay được lan tỏa khắp các giác quan của cơ thể.

Ở Sài Gòn, nếu bạn muốn thưởng thức món bánh này cũng thật đơn giản, bạn chỉ cần ghé qua các xe bán bánh của những người bán dạo là đã có cơ hội thử món bánh lạ này rồi. Tuy mỗi nơi có một vị khác nhau, có nơi thì cay vừa, cay xé nhưng có nơi chỉ thoang thoảng cay cho những ai muốn làm quen. Không phải chỉ làm cho nó cay để giống với tên gọi của nó mà chính là làm vừa lòng người thưởng thức nhưng cũng là vì cái duyên, cái lạ, cái đặc biệt của nó.

Nếm bánh cay mà không kèm với nước chấm thì không còn gì thú vị. Một trong những cách làm vừa lòng thực khách đó chính là chén nước mắm cay đi kèm. Người bán có thể tùy vào sở thích ăn cay của bạn mà làm nước mắm cay nhiều hay ít. Nếu muốn cay nồng, cay xé chỉ việc cho thêm ớt, còn không ăn được thì ngược lại, lượng ớt chỉ cho vừa đủ.

Giờ đây, trước cổng trường học các cô cậu học trò cũng rất chuộng món bánh cay. Thường thì người ta không bán riêng bánh cay mà còn đi kèm những món quà vặt nóng giòn khác như bánh cam, chuối chiên, khoai lang chiên, khoai mì hấp hoặc khoai mì sợi ăn với dừa bào… những thứ quà vặt dùng để ăn chơi. Có thể nói với ẩm thực của người Sài Gòn, dù bạn theo phong cách nào đi nữa cũng có thể chiều. Bởi lẽ cung cách phục vụ của người Sài Gòn cũng phóng khoáng lắm.


Nguồn: Diễn Đàn Một Góc Phố


0 comments cho " Bánh cay: Nghe tên thấy cay! "

Cho Ý Kiến Của Bạn

Newer Post Older Post
^Xem Lại Trên